Tạo sinh kế bền vững cho người dân sau thiên tai:

Bài cuối: Xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với thiên tai

Bên cạnh sự hỗ trợ cho người dân khắc phục tạm thời hậu quả sau bão lũ, các cấp, ngành đang đề ra các giải pháp, xây dựng mô hình thích ứng với thiên tai để người dân ổn định cuộc sống lâu dài, nhất là việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng, tạo việc làm bền vững.

Xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng

Ông Lê Văn Trường, Trưởng phòng Nội vụ huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, huyện là vùng trồng quế có tiếng từ lâu đời, do đó những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Để giúp người dân khai thác giá trị của cây quế, nhiều năm qua, huyện Văn Yên đã đưa chỉ tiêu trồng quế vào kế hoạch hàng năm; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế tại các xã, thị trấn. Hàng năm diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác trên địa bàn huyện đạt từ 2.000 - 2.500 ha/năm, trong đó chủ yếu là trồng lại sau khai thác.

Chú thích ảnh
Vùng trồng quế Văn Yên (Yên Bái) vừa góp phần phủ xanh vùng đồi núi, vừa tạo sinh kế bền vững, mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương. Ảnh: XC

Cây quế đã giúp hàng nghìn hộ nông dân của huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nhất là lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cải thiện thu nhập, có cuộc sống ấm no. “Việc trồng quế cũng là giải pháp trồng rừng trên vùng đồi núi, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang tới các giải pháp bảo vệ môi trường, tạo lá chắn bảo vệ người dân giảm thiểu thiệt hại khi bão lũ”, ông Lê Văn Trường chia sẻ.

Còn theo bà Hoàng Thị Dứa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, đơn vị có hai chương trình lớn đang được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện triển khai là xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 3 năm 2024. Nguồn lực huy động từ sự đóng góp của cộng đồng được hơn 1 tỷ đồng đã được đơn vị phân bổ tới các hộ dân bị ảnh hưởng, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên khó khăn.

Phân tích sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, TS. Hoàng Mạnh Hùng, giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp (Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, lĩnh vực về nông nghiệp nông thôn bị thiệt hại lớn sau thiên tai năm 2024. Theo thống kê, tổng số thiệt hại về nông nghiệp là 350.000 ha lúa, chiếm tới 75.000 ha lúa bị mất trắng, mất từ 75% trở lên, hơn 44.000 con gia súc và hàng triệu con gia cầm bị chết, chưa kể tới các thiệt hại lớn liên quan đến hệ thống hạ tầng cơ sở... Thiệt hại khu vực nông thôn không phải một sớm một chiều xử lý ngay được, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian.

Lý giải về vấn đề này, TS. Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, hạ tầng của khu vực nông thôn yếu kém hơn so với khu vực đô thị; xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay khác với trước đây là nông nghiệp về công nghệ cao, tiên tiến, nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững. Có thể thấy, những thiên tai nghiêm trọng trong năm 2024 đã gây ra tác động sâu rộng đến người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như nông dân công nhân lao động phổ thông và ngư dân. Mất việc làm và giảm thu nhập là ảnh hưởng chính mà những đối tượng này phải gánh chịu. Việc hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giúp họ phục hồi và thích ứng với các thách thức trong tương lai.

Việc giúp người lao động đảm bảo sinh kế sau thiên tai cần một chiến lược dài hạn, kết hợp giữa cứu trợ trước mắt và phát triển bền vững. Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và bản thân người lao động cần phối hợp để xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với thiên tai, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo việc làm lâu dài.

"Thiên tai là điều không mong muốn, nhưng để thích ứng cần một chiến lược dài hạn. Chúng ta cần có dự báo trước để đưa ra giải pháp khắc phục. Riêng đối với những thiên tai lớn, cần trang bị kỹ năng cho các lao động nông nghiệp. Việc đào tạo nghề ngắn hạn cũng cần thiết để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đào tạo phải được làm thường xuyên, phải xem xét ở từng vùng miền và bám vào nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực đó. Bản thân chính người lao động cũng phải xác định năng lực và nhu cầu lao động của mỗi người", TS. Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Khắc phục hậu quả thiên tai thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Ảnh: XC

Để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tổ chức, cá nhân ảnh hưởng bởi thiên tai được ổn định, khôi phục sản xuất, ông Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội cho biết, NHCSXH đã triển khai những chương trình gói cho vay ưu đãi lãi suất. Các đối tượng chính hướng đến là những người yếu thế gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, sinh viên, người lao động tự do… NHCSXH đã rà soát, tham mưu Chính phủ, các chính quyền địa phương. Từ đó, đã có quyết sách kịp thời như: Giảm lãi suất 2% đối với các đối tượng đang nợ NHCSXH, trong đó, đối với các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, NHCSXH gia hạn nợ, không thu lãi, làm hồ sơ quản lý rủi ro…

Tạo việc làm bền vững

Giải pháp cơ bản được TS. Hoàng Mạnh Hùng nêu là chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai, trong đó, tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gây ra. Đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên tai gồm có: Hạ tầng và kỹ năng, chú trọng vào yếu tố con người, cụ thể là hỗ trợ, khuyến khích người nông dân đứng dậy lao động sản xuất sau thiên tai. Về lâu dài, phải tạo được việc làm bền vững gắn với kinh tế bản địa. Có như vậy, người lao động mới có thu nhập ổn định.

Từ góc độ thể chế, trao đổi về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được thảo luận tại Quốc hội, trong đó có vấn đề tạo việc làm, vay vốn khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, về nhóm đối tượng cần mở rộng hơn, dự thảo Luật cần cụ thể về chính sách hỗ tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, là lao động nữ, người chấp hành xong án phạm tù, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, sử dụng nhiều lao động tại địa phương, vùng nông thôn, miền núi theo quy định của Chính phủ. Quy định như vậy nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động ở khu vực nông thôn và miền núi.

Chú thích ảnh
Sản xuất sản phẩm mây tre đan tại xưởng của Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang ở làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

“Về vay vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, dự thảo luật quy định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn là cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ có sử dụng lao động nữ chiếm trên 50% và người lao động là người cao tuổi. Để tạo điều kiện cho những đối tượng này tiếp cận gần hơn với nguồn vốn, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực cho họ tích cực trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện tốt chính sách, chế độ đảm bảo quyền phát huy của phụ nữ và người cao tuổi trong lĩnh vực việc làm”, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết.

“Hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với nhiều hình thức, đối tượng khác nhau, như đối với lao động nông thôn có hỗ trợ đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo chưa cao, chủ yếu đào tạo ngành nghề về lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm tại gia đình. Người lao động khi được tuyển vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn phải đào tạo lại, như vậy chưa đạt mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm một cách bền vững. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đào tạo, phát triển nguồn lao động tại địa phương để người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp”, đại biểu Hà Sỹ Huân kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng: “Các chương trình vay vốn chính sách trong thời gian qua đã cho thấy một rào cản lớn là việc xác định và chứng minh tình trạng lao động của các đối tượng này. Nguyên nhân chính là do họ không có các loại giấy tờ chứng minh quan hệ lao động như hợp đồng lao động, bảng lương hoặc xác nhận của đơn vị sử dụng lao động và do không có hợp đồng lao động hoặc chứng từ thể hiện quan hệ lao động, họ thường bị loại khỏi các danh sách hỗ trợ hoặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xét duyệt. Vì vậy, việc các quy định nêu trên cũng cần bao gồm cả việc đề xuất các tiêu chí nhận diện linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc”.

Cùng quan điểm, Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho hay, về quy định vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm quy định đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng.

Xuân Minh/Báo Tin tức và Dân tộc
Bài 1: Thích ứng với diễn biến khó lường của thời tiết
Bài 1: Thích ứng với diễn biến khó lường của thời tiết

Thiên tai không chỉ gây nguy hiểm tính mạng cho người dân, mà còn lấy đi tài sản tích góp khiến nhiều gia đình kiệt quệ. Việt Nam thường xuyên chịu tác động bởi các diễn biến thời tiết khác nghiệt như bão, lũ lụt, khô hạn... nên việc tạo sinh kế bền vững cho người dân hiện nay là việc làm cấp thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN