Vinh dự của người bác sĩ Cách mạng
Những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) dù đã cũ kỹ, nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn làm sống dậy những cảm xúc hào hùng của một thời kỳ lịch sử của cả dân tộc trong lòng du khách tới thăm quan, tìm hiểu.
Phòng trưng bày về giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng luôn gây ấn tượng đặc biệt với người xem. Bức tượng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được bố trí ở chính giữa, cùng hơn 1.000 hiện vật, bức ảnh được sưu tập, trưng bày tại đây, rất phong phú, đa dạng về mọi góc cạnh của một thời kỳ lịch sử đặc biệt, khiến khách tới thăm quan dừng lại khá lâu, nhiều người như nuốt vào từng chữ, từng lời, từng hình ảnh.
Trong đó, có một bức ảnh rất đặc biệt và hiếm hoi, chụp Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Thường khi nhắc đến ngày 2/9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người ta hay nhắc tới Quảng trường Ba Đình lịch sử ở Hà Nội, nơi ghi dấu sự kiện đặc biệt của đất nước. Nhưng thật ra, cũng ngày ấy, giờ ấy, ở “đầu cầu” Sài Gòn, không khí của buổi lễ cũng không kém phần long trọng, xúc động.
Trong buổi mít tinh, nhân dân Nam Bộ kéo về Quảng trường Norodom (gần Nhà thờ Đức Bà) để được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập từ Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Cũng trong buổi lễ ấy, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, người được cử chức Bộ trưởng Y tế Chính phủ lâm thời, đã thay mặt Chính phủ, tuyên thệ trước toàn thể nhân dân: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước, vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”.
Lời tuyên thuệ khẳng định quyết tâm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam đã khắc ghi trong tâm khảm những người dân miền Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của nước ta, một đại diện của Nhà nước Trung ương long trọng cam kết với nhân dân. Hình ảnh của vị Bộ trưởng Y tế khi đó đã khắc sâu vào lịch sử, là niềm vinh dự của ngành Y tế Việt Nam.
Thực hiện đúng như những lời trong bản tuyên thệ đã đọc trên Lễ đài Độc lập tại Sài Gòn khi ấy, cả cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch dành hết cho cách mạng, phục vụ nhân dân. Có lẽ vì vậy mà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn nhận được sự tin yêu của Bác Hồ khi được giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng.
"Buổi mít tinh của đồng bào Sài Gòn đón nghe Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945, diễn ra trong bối cảnh thông tin liên lạc còn rất hạn chế. Ngày hôm đó tại Sài Gòn thời tiết xấu, loa đài lại trục trặc, nên cũng không ghi lại được nhiều tư liệu. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ còn lưu giữ được duy nhất một bức ảnh chụp buổi lễ này”, Bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng lịch sử Quốc gia) cho biết.
Có lẽ vì vậy mà tư liệu hình ảnh về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong thời điểm lịch ấy cũng rất hiếm hoi.
Người được Bác Hồ tin yêu, trân trọng
Cuộc đời vị bác sĩ yêu nước, nhà hoạt động các mạng Phạm Ngọc Thạch đầy những trang hào hùng, đáng kính phục. Ông sinh ra ở Bình Định, trong một gia đình trí thức yêu nước, cha là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, mẹ thuộc dòng hoàng tộc Huế. Ông theo gia đình học tiểu học ở Phan Thiết, Thanh Hóa sau ra Hà Nội học Trung học ở trường Albert Sarraut. Năm 1928, ông vào học trường Đại học Y Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội). Hết năm thứ tư, ông sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1934. Cuối năm 1936, ông trở về nước. Và nguyên nhân của sự trở về này cũng thật đặc biệt khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từng thổ lộ với bà Marie Louise, vợ ông: “Suốt đời, anh sẽ đấu tranh cho đất nước anh…”.
Từ khi còn ở Paris, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã được nghe danh tiếng và vô cùng ngưỡng mộ nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Khi về nước, từ năm 1940 đến năm 1945, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch tham gia hoạt động cách mạng và là một trong những người lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn.
Tháng 3/1945, trước sự lớn mạnh của phong trào học sinh, sinh viên và trí thức yêu nước, một nhóm các nhà tri thức tiên phong đã đứng ra thành lập phong trào Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn, sau đó phát triển nhanh ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử giữ chức Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị phong trào Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn và Nam Kỳ.
Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong điều kiện nước ta thời kỳ đó, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải nhanh chóng hoàn thiện cơ bản bộ máy đối phó với thù trong, giặc ngoài, để đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế không thể chỉ đơn thuần là một bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn cần phải là một nhà trí thức có uy tín, được nhân dân tin tưởng nghe theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là người hội tụ đầy đủ những yêu cầu cần thiết đó. Đến cuối năm 1945, trong hoàn cảnh nhân dân Nam Bộ đang ngày đêm phải đối phó với những thủ đoạn của quân đội thực dân Pháp, núp dưới bóng quân Anh muốn trở lại xâm lược nước ta, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch xin từ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế để trở về với mặt trận phía Nam làm việc và cống hiến cho sự nghiệp chống giặc, cứu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với nguyện vọng đó của ông với tất cả sự tin tưởng.
Năm 1952, sau khi bộ máy kháng chiến của đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đã được củng cố vững vàng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch quay trở lại Việt Bắc. Đến đầu năm 1953, ông được phân công là Trưởng ban Y tế của Đảng phụ trách công tác Y tế An toàn khu. Thời gian này, ông còn được giao trọng trách chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Bác.
Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị, được gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của người lãnh đạo ngành Y tế. Với cương vị của người đứng đầu ngành Y tế, ông nhận thức rõ ràng thực tế nghèo nàn và lạc hậu của nước ta. Ông không ngừng thâm nhập vào thực tiễn, ngày đêm nghiên cứu, suy nghĩ và đề ra 5 phương châm nguyên tắc y tế, thể hiện các nội dung chỉ thị của Bác về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, các nguyên tắc ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Dựa vào điều kiện thực tế của đất nước thời điểm đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường thích hợp nhất, hiệu quả nhất, xây dựng nền y tế nhân dân, xây dựng 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành kết hợp chặt chẽ chính trị và chuyên môn, tư tưởng và tổ chức, phòng bệnh và chữa bệnh, quán triệt phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đông y và tây y, kết hợp y và dược...
Trong công tác phòng và chữa bệnh, ông đã tích cực xây dựng mạng lưới y tế từ trung ương đến xã và hợp tác xã, xây dựng y tế nông thôn, tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccin, tiêm chủng toàn dân, dấy lên trong cả nước phong trào "vệ sinh yêu nước", vệ sinh phòng bệnh... giải quyết hàng loạt những vấn đề cơ bản của sự nghiệp y tế, thanh toán những bệnh tật, dịch bệnh do chế độ cũ để lại, bảo vệ, chǎm sóc và tǎng cường có hiệu quả sức khỏe nhân dân.
Nhờ đó, đến nǎm 1958 nước ta đã chiến thắng được hai dịch bệnh lớn tồn tại đã bao đời là đậu mùa và dịch tả; nhiều bệnh không còn phát triển thành dịch...
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng có công lao rất lớn với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi. Ông là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam. ông đã sớm đi sâu vào chuyên khoa này trong thời gian học cũng như khi đã ra là việc ở Pháp cũng như ở Sài Gòn, là hội viên độc nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu về Lao của Pháp từ 1936, là người sáng lập và Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống Lao Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Chống Lao thế giới, là người có công lớn nhất xây dựng chuyên khoa, là người thầy lớn nhất của chuyên khoa Lao - bệnh Phổi.
Ngày 7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh trên chiến trường miền Nam, một sự mất mát lớn cho ngành y tế và sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người thầy thuốc của nhân dân Phạm Ngọc Thạch được thể hiện một cách sâu sắc và xúc động. Khi Người nghe tin Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch hy sinh, Bác đánh rơi điếu thuốc đang kẹp trong tay, ngồi lặng khá lâu, hai tay gầy ôm vầng trán rộng.
Trong tang lễ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự đã quàng chiếc khăn bà Marie Louise - vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đan tặng Người, như một minh chứng cho tình cảm Người dành cho gia đình người bác sĩ Nhân dân.
Trong suốt 59 năm cuộc đời, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn là tấm gương sáng vì nước, vì dân, với sức làm việc phi thường cả ở chuyên môn và khi làm các nhiệm vụ chính trị. Bởi vậy ông đã trở thành người thân cận, gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác tin yêu, trân trọng. Đạo đức, tác phong và lối sống của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tạo nên sức mạnh cho toàn ngành y tế và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, hiểm nghèo…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên ủy ban Nhân dân Nam Bộ, rồi lần lượt sau này là Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế (1954-1958). Từ 1958 ông là Bộ trưởng Bộ Y tế.