Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Luân Thanh Trường (sinh năm 1966) đã chọn Cần Giờ làm nơi công tác với mong muốn sau một thời gian làm ở đây anh sẽ được trở lại thành phố công tác ở các bệnh viện lớn. Nhưng sau hai năm gắn bó với người dân nơi đây anh đã không muốn trở lại thành phố dù được ưu tiên phân bổ công tác theo nguyện vọng. Hiện anh là Trưởng trạm Y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Hết lòng vì người bệnhThạnh An là xã đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh, giao thương đi lại cách trở. Do đó, nhiều nhân viên y tế được luân phiên về đây đều lần lượt xin nghỉ vì không kham nổi công việc vất vả, cuộc sống khó khăn, buồn tẻ. Vậy mà, bác sĩ Luân Thanh Trường vẫn tình nguyện gắn bó lâu dài với đất đảo.
Năm 2000, lúc mới ra trường, bác sĩ Luân Thanh Trường nhận công tác ở trạm y tế xã Lý Nhơn đến năm 2004 anh trở thành đội phó đội y tế dự phòng huyện Cần Giờ. Sau một năm công tác, anh đã tình nguyện xin về trạm y tế xã đảo Thạnh An khi nghe tin bác sĩ ở đây bỏ làm. Từ đó đến nay anh đã ở đảo, trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân. Để có thể cứu chữa cho bệnh nhân kịp thời, anh đã ở luôn trên đảo dù có nhà ở thị trấn Cần Thạnh.
Bác sĩ Trường khám bệnh cho bà con xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: Tuoitre |
Anh kể: Lúc đầu mới về đảo, tôi thường sáng đi chiều về, chỉ khi nào đến phiên trực mới ở lại đảo. Nhưng đêm nào bà con cũng gọi nhờ đến nhà để khám chữa bệnh. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết hướng dẫn họ cách sơ cấp cứu qua điện thoại hay nhờ nhân viên trạm y tế xã qua hỗ trợ. Điều đó khiến tôi rất day dứt. Vì người dân cần mà mình lại không thể trực tiếp giúp họ. Cho nên, sau đó tôi quyết định ở đảo luôn, lâu lâu mới về nhà thăm gia đình.
Ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An chia sẻ: Bác sĩ Trường tốt với bà con ở đây lắm. Lúc nào người dân gọi bác sĩ đều có mặt kịp thời dù là nửa đêm. Bệnh nhân bị bệnh nặng, sẽ được bác sĩ trực tiếp đưa qua biển, sang bệnh viện huyện cấp cứu. Hơn nữa, dân ở đây khó khăn, mỗi lần bác sĩ đến tận nhà khám, không có tiền trả cho bác sĩ. Nhưng không vì thế mà bác sĩ không tận tình với người dân. Nhờ bác sĩ mà nhiều bệnh nhân đã được chữa trị tại đảo, người dân đỡ vất vả, tốn chi phí lên huyện điều trị.
Bác sĩ Luân Thanh Trường còn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề chữa trị được nhiều bệnh hơn cho người dân. Nhận thấy, việc chữa bệnh cho người dân ở đảo vẫn gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán nội khoa, anh đã đăng ký đi học siêu âm thực hành ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trong bốn tháng anh cần mẫn tuần hai ngày về thành phố để học. Nhờ vậy, đến nay việc chẩn đoán bệnh cho người dân càng chính xác hơn, đem lại sự an tâm cho người bệnh.
Được người dân tin yêu
Ở xã đảo heo hút, cách trở này, bác sĩ như anh phải khám đủ thứ bệnh cho người dân: từ nội khoa đến ngoại khoa và cả... đỡ đẻ. Vất vả là thế, nhưng bác sĩ Luân Thanh Trường luôn hết lòng vì người bệnh và chỉ mong ước rằng luôn luôn được người dân nơi đây tin tưởng, qúy mến.
Bà Nguyễn Thị Mười, người dân hơn 40 năm ở xã đảo chia sẻ: Người dân ở đây rất quý bác sĩ Trường. Năm 2006 bác sĩ Trường đi thi chuyên khoa nội để nâng cao chuyên môn. Sợ rằng, nếu bác sĩ thi đậu được học lên thì sau này không về làm ở đây nữa người dân ai cũng bảo nhau rằng mong bác sĩ thi rớt để ở đây mãi với bà con. Bởi khó có bác sĩ nào tận tâm với người dân xã đảo như bác sĩ Trường. Và cũng vì được người dân tín nhiệm nên năm qua bà con đã bầu bác sĩ Trường làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã Thạnh An.
Đáp lại sự tin yêu của người dân đảo, anh càng thêm quyết tâm học lên, nâng cao tay nghề nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho bà con. Anh chia sẻ: "Nếu muốn lên thành phố làm, tôi đã đi sau hai năm hoàn thành công tác ở xã Lý Nhơn. Thời gian tới nếu sắp xếp được công việc, tôi sẽ cố gắng học lên nữa không phải vì bằng cấp hay sẽ được lên chức mà chỉ với mong muốn sau khi học xong lại về đây. Vì chắc chắn rằng nếu mình giỏi hơn thì bà con nơi đây sẽ được giúp ích nhiều hơn".
Lan Phương