Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cử lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ người dân di dời tài sản, tạm khắc phục sự cố.
Ghi nhận thực tế vào sáng 21/6 cho thấy, có 3 hộ dân bị sạt lở hoàn toàn phần nhà sau xuống sông, các hộ còn lại bị nứt tường, sụt lún nền nhà… phạm vi ảnh hưởng khoảng 400m, nằm dọc tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm. Qua kiểm tra, ngành chức năng thành phố Bạc Liêu đã đề nghị đơn vị thi công, trước mắt hỗ trợ một phần chi phí cho 3 hộ dân có nhà sau bị sạt lở xuống sông để tạm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống; phối hợp với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sạt lở và thống kê cụ thể các trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ Khóm 6, Phường 5) chia sẻ: “Căn nhà sau bị sụt trượt ra sông rất nhanh, chỉ trong khoảng 10 phút. Sạt lở nhanh quá nên vách tường bị xé toang, sụt lún xuống khoảng 1,5m, rồi chìm xuống sông rất nhanh”.
Anh Trịnh Ngọc Được (ngụ Khóm 6, Phường 5) chia sẻ: Vào khoảng nửa đêm, nghe tiếng lắc rắc phía sau nhà, anh ra kiểm tra thì thấy đất bắt đầu sụt xuống sông. Anh chỉ kịp chạy đi cắt nguồn điện, gọi mọi người trong nhà thức dậy để chạy ra ngoài và bất lực nhìn căn nhà sau sạt xuống sông.
Đến sáng 21/6, ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã vận động người dân có nhà bị ảnh hưởng khẩn trương di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Qua làm việc với chính quyền địa phương, đại diện đơn vị thi công nạo vét sông Bạc Liêu cho rằng, việc thi công đúng theo thiết kế được duyệt, nhà thầu sẽ báo cáo chủ đầu tư và đồng ý hỗ trợ chi phí ban đầu cho 3 hộ dân bị ảnh hưởng 5 triệu đồng/hộ, để hộ dân ổn định cuộc sống.
Hiện chính quyền và ngành chức năng đang phối hợp tìm ra nguyên nhân của vụ sạt lở.
Theo ghi nhận, tính từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và các yếu tố bất lợi của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, gây thiệt hại về đường giao thông nông thôn; thiệt hại về tài sản và nhà cửa của người dân ở huyện Hồng Dân, thị xã Giá Rai…
Ngay sau sự cố, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, di dời tài sản ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; đồng thời, sớm gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho việc lưu thông, sinh sống của người dân.
Để kịp thời khắc phục tình hình sạt lở nêu trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để các hộ dân sinh sống khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chủ động kịp thời trong công tác phòng, chống sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.
Cùng với những tác động lớn của hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô thì sạt lở bờ sông tại Bạc Liêu trong vài năm trở lại đây cũng trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Đáng lo ngại khi tình trạng này diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, mức độ thiệt hại cũng gia tăng. Điều này khiến người dân sống dọc theo các tuyến sông luôn thấy bất an, nhất là vào mùa mưa bão.