Liên quan đến vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đây, các xã thuộc diện bãi ngang, xã đặc biệt khó khăn, người dân được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế nên 100% hộ dân đều tham gia. Hiện nay, cùng với việc tất cả các xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế không còn, người dân phải tự đóng bảo hiểm y tế nên họ không tham gia. Các xã dù đã rất nỗ lực vận động, tuyên truyền nhưng việc nâng tỷ lệ hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế gặp khó khăn.
Bản chất của bảo hiểm y tế là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả của người bệnh. Nhờ có bảo hiểm y tế, nhiều gia đình đã giảm bớt gánh nặng tài chính khi được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị, nhất là với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị lâu dài. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn, ở khóm 3, phường 2, thành phố Bạc Liêu là một ví dụ. Ông Sơn tham gia bảo hiểm y tế được 7 năm. Với căn bệnh gai cột sống và dạ dày, ông thường xuyên vào viện khám bệnh, nếu không có bảo hiểm y tế, chi phí chữa bệnh ông phải bỏ ra không nhỏ. Lần điều trị gần đây nhất ông phải tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, với chi phí trên 30 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả hơn 27 triệu đồng.
Khi chi phí điều trị ngày càng tăng, bệnh nhân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình khó đảm bảo chi trả nếu không tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm y tế, trừ người biết bản thân bị bệnh. Bên cạnh đó, có người cho rằng, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm chưa được đối xử bình đẳng, chất lượng dịch vụ không tốt như khi khám, điều trị dịch vụ.
Bảo hiểm y tế toàn dân là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn. Mục tiêu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề ra trong năm 2021 là nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên mức 91% dân số trở lên. Đối với tỉnh Bạc Liêu, để đạt mục tiêu này, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Với giải pháp về kinh tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh khuyến khích người dân tham gia đủ 1 năm nhưng nếu điều kiện khó khăn vẫn có thể chia nhỏ thời gian đóng bảo hiểm 1 lần từ 3 tháng, 6 tháng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế đến với người dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo thông qua nhiều hình thức như, tổ chức cuộc họp dân, họp nhóm, làm việc trực tiếp với các vị chức sắc, chức việc, Ban trị sự các cơ sở tín ngưỡng...
Ông Lê Danh Đấu, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Bạc Liêu cho biết, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị tăng cường tương tác trên mạng xã hội, thông qua fanpage của các ứng dụng zalo, facebook. Qua đó góp phần giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhiều hơn các chính sách an sinh xã hội; đồng thời hiện thực hóa mục tiêu của ngành trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Cũng theo ông Lê Danh Đấu, để nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị triển khai xã hội hóa, thực hiện trao tặng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này nằm trong chương trình "Cả nước chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân" do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phát động. Dù mới được triển khai nhưng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ giảm trừ 30%, 40%, 50%, 60% mức đóng lần lượt đối với thành viên thứ hai, thứ ba, thứ tư và từ người thứ năm trở đi trong cùng hộ gia đình khi tham gia bảo hiểm y tế trong cùng năm tài chính. Với sự hỗ trợ này, cùng sự linh hoạt về thời gian mua bảo hiểm y tế 3 tháng, 6 tháng và nhiều chính sách khác đang triển khai là điều kiện thuận lợi để nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trong toàn dân, đặc biệt là nhóm đối tượng hộ gia đình của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.