Theo đó, tỉnh Bắc Kạn thực hiện các biện pháp khẩn để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra. UBND tỉnh giao UBND thành phố Bắc Kạn sử dụng tối đa nguồn kinh phí của địa phương, tổ chức thực hiện xử lý bước đầu đảm bảo an toàn, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện đi lại và cơ sở hạ tầng, cử người canh gác tại khu vực sạt lở (nếu cần thiết), cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân, tổ chức biết phòng tránh.
UBND thành phố Bắc Kạn phải tổ chức di dời ngay các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ, tình huống sạt lở nguy hiểm và thực hiện các nội dung khác trong phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt; ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp và quyết định đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp đảm bảo theo quy định; chủ động báo cáo, đề xuất các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, giải quyết những tình huống, vấn đề vượt quá khả năng, thẩm quyền của địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, đảm bảo ổn định lâu dài của khu vực; nghiên cứu đề xuất phương án di dời tái định cư các hộ dân khu vực sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp không thể xử lý ổn định tại chỗ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy về Phòng, chống thiên tai tỉnh) được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp UBND thành phố Bắc Kạn rà soát, cập nhật tình hình sạt lở; phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình sạt lở, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Sở Xây dựng tham mưu, hướng dẫn UBND thành phố thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh về nguồn vốn để hỗ trợ thành phố Bắc Kạn xử lý, khắc phục ngay khu vực sạt lở sau khi có báo cáo, đề xuất của UBND thành phố. Các cơ quan truyền thông tỉnh cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết chủ động phòng tránh...
Tại Tổ 4, phường Đức Xuân, trong các năm 2017, 2021, sạt lở đất làm vùi lấp kè đá, nhà ở của nhiều hộ dân, xuất hiện các vết nứt nhỏ sau nhà các hộ dân. Do tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua trên địa bàn thành phố Bắc Kạn có nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây sụt lún cục bộ, xuất hiện các vết nứt tại 2 điểm, có chiều sâu lớn trong phạm vi khoảng 160m mái ta luy dương ở sau nhà các hộ dân Tổ 4, nguy cơ sạt mái ta luy gây ảnh hưởng đến khoảng 60 hộ dân ở khu vực chân ta luy và hạ tầng Quốc lộ 3 đi qua khu vực. Các vết nứt chưa được khắc phục và có nguy cơ sạt lở đất rất cao, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và hạ tầng giao thông.
Trước đó, từ đầu tháng 7 đến nay, UBND tỉnh Bắc Kạn đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với ba khu vực sạt lở tại Tổ nhân dân Hát Deng (thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì), tại trụ sở Công an xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn), tại trụ sở Công an huyện Ba Bể (huyện Ba Bể).