Khảo sát các điểm sạt lở, sụt lún ở Bạc Liêu

Trước diễn biến của tình trạng sụt lún và sạt lở liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024, nhất là trong thời gian gần đây, ngày 31/7, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đã kiểm tra thực tế các điểm sụt lún, sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát tại thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). 

Tại đường Lê Thị Hồng Gấm thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 5 (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng và đoàn công tác đã đến khảo sát, thăm hỏi, động viên các hộ dân bị sạt lở nhà vào tháng 6/2024.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tại bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu, đường Lê Thị Hồng Gấm thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 5 (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã xảy ra sạt lở bờ sông, gây sạt lở trên 40 hộ dân và một số nhà có xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền hạ bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau - Bạc Liêu làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống tại khu vực này. Sạt lở cũng gây ảnh hưởng tuyến đường này hơn 800 mét.

Sau khi sự cố sụt lún xảy ra, thành phố Bạc Liêu đã thống kê, đánh giá tình hình sụt lún, sạt lở và mức độ thiệt hại của các hộ dân; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở trong thời gian tới. Tại các khu vực bị sạt lở cũng đã chỉ đạo các lực lượng và chính quyền địa phương tổ chức cắm biển báo nguy hiểm và di dời các hộ dân ra khỏi nơi sạt lở đến nơi ở tạm.

Tại thị xã Giá Rai (thành phố Bạc Liêu), tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng dọc kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau đoạn qua các xã Tân Phong, Phong Thạnh và phường Hộ Phòng thị xã Giá Rai, gây sạt lở nhà dân và một số nhà có xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền nhà bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau - Bạc Liêu. Khu vực này cũng đã xảy ra sạt lở vào năm 2023 và những năm trước đây có chiều dài sạt lở khoảng 2,6km (tuyến đường này là khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, có 458 hộ dân sinh sống theo tuyến này).

Chú thích ảnh
Tuyến đường giao thông nông thôn ở khu vực sạt lở ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) bị nứt nghiêm trọng. 

Tại huyện Hồng Dân, từ ngày 5/4 đến 29/5, do ảnh hưởng của hạn kéo dài xâm nhập mặn sâu trên địa bàn huyện, vùng ngọt ổn định của huyện bị khô hạn, mực nước trên các sông rạch xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ kênh, sụt lún các tuyến lộ giao thông và nhà dân ở thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Quới, Ninh Quới A và Ninh Hoà. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương kịp thời khắc phục: trước mắt đã khắc phục chỗ ở ổn định cho 5 hộ dân, bằng nhiều giải pháp đã khắc phục cơ bản các đoạn sạt lở, riêng đoạn sụt lún khoảng 2 km chỉ khắc phục tạm vì chưa thể cân đối được nguồn lực.

Để khắc phục kịp thời các vị trí sạt lở, sụt lún, UBND huyện báo cáo đề xuất các ngành chức năng của tỉnh sớm trình UBND tỉnh công bố tình huống thiên tai trên địa bàn huyện. Đồng thời xem xét hỗ trợ vốn cho huyện để khắc phục các vị trí sạt lở, sụt lún nhằm ổn định đời sống người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, đoàn khảo sát tại khu vực bị sạt lở đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Long Điền Tây; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng  muối Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu "thuộc dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ muối sản xuất giai đoạn 2021-2025 (huyện Đông Hải).

Sau khi khảo sát thực tế các điểm sụt lún, sạt lở trên địa bàn các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục sạt lở, gia cố lại các điểm đã bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở; làm các tuyến đường tạm để người dân tại các khu vực bị sạt lở, sụt lún có thể đi lại được; sớm ổn định cuộc sống; các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại do sạt lở, sụt lún gây ra, hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại.

Cùng với đó, khẩn trương cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chưa cắm biển cảnh báo. Tăng cường các lực lượng xung kích tiếp tục xuống hiện trường giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Rà soát cụ thể từng nhà, nếu cần thiết cần xem xét di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này. Các địa phương cần phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan nhằm sớm báo cáo với Thường trực Ủy ban để bố trí vốn khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn. Nếu đủ điều kiện, tỉnh sẽ cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại vùng bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: Chanh Đa (TTXVN)
Khẩn trương khắc phục hậu quả lốc xoáy tại Bến Tre, Bạc Liêu
Khẩn trương khắc phục hậu quả lốc xoáy tại Bến Tre, Bạc Liêu

Ngày 27/7, ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả lốc xoáy gây ra làm tốc mái 84 căn nhà và hoa màu tại xã Sơn Định, thị trấn và các vùng phụ cận của huyện Chợ Lách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN