Doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng
Dạo quanh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có thể dễ dàng bắt gặp những thông tin tuyển dụng lao động được các doanh nghiệp treo khắp các tuyến đường hoặc tại cổng công ty và ở các điểm đăng tin tuyển dụng.
Những ngày này, bộ phận tuyển dụng nhân sự tại Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải luôn làm việc hết công suất. Là Tập đoàn chuyên gia công, sản xuất linh kiện trong các lĩnh vực điện tử, thiết bị viễn thông và máy tính hàng đầu thế giới, tại Bắc Giang, Tập đoàn đang sử dụng hơn 60 nghìn lao động. Anh Phạm Văn Sơn, Phó phòng Tuyển dụng nhân sự của Tập đoàn cho biết: Năm 2023 do nhu cầu mở rộng sản xuất và thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nên Tập đoàn dự kiến tuyển dụng khoảng 12 nghìn lao động phổ thông và 1 nghìn lao động có trình độ. Đối với lao động có trình độ, Tập đoàn sẽ trực tiếp thỏa thuận với người lao động khi ứng tuyển. Với lao động phổ thông, Tập đoàn có chế độ cứng với lương cơ bản 5 triệu đồng, phụ cấp gồm tiền ăn, tiền nhà, tiền đi lại khoảng gần 3 triệu đồng. Lao động ở xa có thể ở lại trong khu nhà ở dành cho công nhân của Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn còn duy trì tiền thưởng các ngày lễ, Tết, thưởng cuối năm. Như vậy, tổng thu nhập của người lao động đạt 8-10 triệu đồng/tháng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare – ICT có địa chỉ Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, sản xuất trong lĩnh vực điện tử cũng có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong năm 2023 với khoảng gần 30 nghìn công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo anh Đoàn Duy Mạnh, nhân viên tuyển dụng nhân sự của Công ty, đối với lao động phổ thông, Công ty không đòi hỏi cao, chủ yếu là tốt nghiệp trung học phổ thông, tổng thu nhập sẽ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, Công ty luôn duy trì ba kênh tuyển dụng gồm tuyển dụng trực tiếp, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đồng thời phối hợp với các công ty chuyên cung ứng lao động trong, ngoài tỉnh. Thông qua đó, người lao động ở vùng núi, vùng sâu, xa và ngoài tỉnh có thể tiếp cận được các thông tin về tuyển dụng, các chế độ đãi ngộ của Công ty để làm hồ sơ ứng tuyển.
Ngoài các doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp trong nước trên địa bàn cũng có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều lao động, điển hình như Công ty cổ phần Tổng công ty may Bắc Giang BGG có nhu cầu tuyển 300 công nhân may, chưa biết nghề sẽ được đào tạo.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có trên 7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng 303 nghìn lao động, riêng trong khu công nghiệp sử dụng 185 nghìn lao động. Theo thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm khoảng 40 nghìn người, trong đó chủ yếu là ngành điện tử, may mặc.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà đánh giá: Nhìn chung thị trường lao động những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định và có bước khởi sắc khi các doanh nghiệp ngành Dệt may đã ổn định sản xuất trở lại so với các tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Tỉnh Bắc Giang hiện có trên 1 triệu lao động, hàng năm có khoảng 32 nghìn người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và số lượng lớn lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp – xây dựng. Cộng với những năm gần đây ngày càng nhiều người ở các tỉnh lân cận và các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc tìm việc, tham gia thị trường lao động tại tỉnh Bắc Giang nên sẽ đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, không xảy ra tình trạng thiếu, thừa cục bộ ở các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Để đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động đầu năm, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được người, người lao động tìm được việc phù hợp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu Xuân kết nối trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. 158 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia phiên giao dịch với tổng nhu cầu tuyển khoảng 55,7 nghìn lao động.
Mong muốn tìm được việc làm trong lĩnh vực điện tử, chị Lê Thị Hoài (Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết: Trước đây, chị làm công nhân ở khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang, nhưng cuối năm ngoái hết hợp đồng và ít việc nên chị đã nghỉ làm ở công ty cũ. Tham gia phiên giao dịch việc làm, chị vừa làm hồ sơ ứng tuyển vào một công ty điện tử ở khu công nghiệp Quang Châu với thu nhập phù hợp lại có xe đưa đón.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà: Cùng với việc chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm tốt công tác thu thập, dự báo, phân tích thông tin đáp ứng kịp thời xu thế của thị trường lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến và đẩy mạnh sự phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Ngành Lao động sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng kết nối với các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm uy tín, chất lượng. Đồng thời, ngành thúc đẩy các xu thế chuyển dịch lao động, gồm lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp sang việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; lao động làm việc ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; dịch chuyển lao động từ các khu vực bên ngoài vào bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ngành lao động cũng đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động.