Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh các yếu tố của thị trường lao động cần được phát triển đồng bộ và hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Vì vậy, tăng cường dự báo, thông tin về thị trường lao động và có những giải pháp triển thị trường là giải pháp quan trọng, đang được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực thực hiện.
Dự báo, kết nối thị trường
Một số chuyên gia, nhà quản lý nhận định, trong những tháng đầu năm 2023, thị trường việc làm vẫn còn khó khăn nhưng sẽ sớm phục hồi. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nửa đầu năm 2023, kinh tế sẽ còn những khó khăn, nhưng sau đó sẽ khởi sắc, thị trường lao động sớm có chuyển biến tích cực. Những ngành có tiềm năng vẫn chiếm lợi thế, những ngành nghề như chế biến gỗ, sản xuất da giày, may mặc chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới sẽ có sự phục hồi, bứt phá vào cuối 2023.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Năm 2022 đã chứng kiến những biến đổi khó lường của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam không tránh khỏi "vòng xoáy" này. Cuối năm 2022, theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI thực hiện khảo sát nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, chỉ có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tăng đơn hàng, 68% số doanh nghiệp giảm đơn hàng và khoảng 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan dự báo kéo dài đến ít nhất hết quý I năm 2023. Những biến động khó đoán định của thị trường như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.
Từ góc độ dự báo thị trường lao động từng địa phương, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Trong năm 2023, tùy theo mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn, Thành phố cần khoảng 280.000 - 320.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các khối ngành như: thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản… Đáng lưu ý, nhu cầu lao động chủ yếu là nhân lực đã qua đào tạo ở các trình độ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng và Đại học trở lên, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 13,4%.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng doanh nghiệp chưa có hoặc ít đơn hàng còn tiếp diễn. Do vậy, hoạt động tuyển dụng lao động dịp đầu năm không sôi động như những năm trước nhưng cũng không quá “bình lặng”. Sau Tết, các doanh nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển khoảng 10.000 -15.000 lao động để bổ sung lực lượng lao động hao hụt và phục vụ sản xuất. Đây là cơ hội tốt cho những lao động nhận trợ cấp thất nghiệp quay lại tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, nhiều lao động đang thất nghiệp sẽ chưa hết khó khăn trong tìm việc làm. Nếu những lao động này chấp nhận chuyển đổi việc làm, thay đổi môi trường làm việc hay sẵn sàng di chuyển xa hơn, nhiều cơ hội việc làm tốt vẫn chờ đón.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động, ngay trong những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kết nối việc làm theo nhu cầu, nhất là với những lao động đang thất nghiệp. Đơn vị thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng, trực tiếp kết nối cung - cầu lao động, tổ chức phỏng vấn trực tuyến hàng ngày để hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, kết hợp tuyên truyền để người lao động hiểu là nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian gian họ tìm việc làm trở lại hoặc tiếp tục học nghề. Những lao động đang tạm thời chưa có việc làm trở lại nên tận dụng thời gian này để tham gia học nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng hoặc chủ động học nghề khác để sớm có việc làm trở lại, đảm bảo cuộc sống lâu dài.
Về các giải pháp căn cơ, lâu dài, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, trong nền kinh tế thị trường, mỗi loại thị trường đều có chức năng và vai trò khác nhau. Trong đó, thị trường lao động được coi như một “đầu tàu” để kéo theo sự chuyển động của các thị trường khác và của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện chính sách và quản trị quốc gia về lao động có ý nghĩa quan trọng tới phát triển thị trường lao động của các nước, trong đó có Việt Nam. Để từng bước đạt được mục tiêu phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, cần tiến hành đồng bộ những giải pháp cơ bản như tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế, thúc đẩy tái tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu việc làm và tạo việc làm mới là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp tập trung phục hồi việc làm tại các ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lao động bị mất việc, các thị trường lao động bị ảnh hưởng do lao động di chuyển. Cùng với đó, cần khai thác các cơ hội việc làm mới trong các nhóm ngành nghề mũi nhọn, ngành nghề mới…
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, để thích ứng lâu dài, các chính sách hỗ trợ người lao động sẽ dần chuyển từ hỗ trợ tiền mặt không điều kiện sang hỗ trợ có điều kiện đối với người lao động trong các ngành bị tác động nhiều; mở rộng đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, bao gồm các cơ hội, hình thức việc làm mới như: việc làm trên mạng, việc làm linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh. Bên các cấp, các ngành tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi gồm: đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi đối với nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật hiện có và đào tạo cho lao động có những kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, công nghiệp thông minh.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay: Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách, năm 2023, thị trường lao động chắc chắn chịu nhiều thách thức. Để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn, các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến thị trường lao động tập trung vào một số vấn đề như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Các địa phương, đơn vị chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Cùng với đó, các ngành, địa phương thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hơn các gói dịch vụ an sinh xã hội, xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro.