Vì sức khỏe công nhân lắp ráp điện tử - Bài 1:

Ảo tưởng về ngành công nghiệp “sạch”

Ngành lắp ráp điện tử có nhiều đóng góp trong giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để nước ta thực sự có một ngành công nghiệp điện tử an toàn, phát triển bền vững, cần chăm lo hơn nữa về sức khỏe cho đội ngũ công nhân của chính ngành này.

 

Bài 1: Ảo tưởng về ngành công nghiệp “sạch”


Sử dụng nhiều hóa chất độc hại, đòi hỏi người làm tập trung cao độ trong thao tác, gò bó tư thế làm việc..., ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cũng như thế giới đã và đang được nhìn nhận như “thủ phạm” gây tổn hại đến sức khỏe người lao động.


“Ù hết tai và nóng trong đầu” - một nữ công nhân làm tại bộ phận kiểm tra chức năng nghe của các điện thoại di động than thở. Ăn mặc sạch sẽ, chỗ làm bóng như gương, điều hòa mát rượi, nhiệm vụ chỉ là kiểm tra những chiếc điện thoại di động chuẩn bị xuất xưởng. Công việc tưởng nhàn, lại khiến công nhân này rất mệt mỏi.


Sau hào quang của chiếc Iphone


“Mỗi 12 tiếng, em kiểm tra khoảng 76 điện thoại. Em thường bị ù tai trong suốt ca làm. Sợ nhất là các cuộc gọi “ảo” vì lúc đó sóng điện thoại rất mạnh” - công nhân trên cho biết. Bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) giải thích: Sóng điện thoại khi được kiểm tra bằng phương pháp nghe trực tiếp sẽ phát ra điện từ trường ở mức tần số cao và siêu cao. Sóng điện từ của điện thoại cũng giống như sóng trong lò vi sóng. Sóng của lò vi sóng có thể nướng chín thực phẩm, suy ra sự độc hại với não bộ khi con người phải liên tục áp vào tai những “cục sóng” như thế.

Ông Sanjiv Pandita, Giám đốc Trung tâm giám sát nguồn nhân lực châu Á - AMRC, chọn một hình ảnh tương phản: Hãy nhìn chiếc điện thoại Iphone “đẹp long lanh”. Phía sau sự hào nhoáng của nó, là rất nhiều hóa chất, kim loại được sử dụng: chì, crom, thủy ngân, kim loại nặng... Trong quá trình sản xuất, các hóa chất đó cùng các chất dung môi, khí độc và bức xạ toả ra. “Không thể “phủ khói” cho các ảo ảnh về nền công nghiệp sạch” - ông Sanjiv Pandita khẳng định. Mối nguy cho sức khoẻ người lao động đến từ rất nhiều khâu: ảnh hưởng của axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị; chất khí dễ cháy nổ; hơi khói độc từ các dung môi làm sạch, mạ phủ kim loại, quang hóa; điện từ trường cao, tia laze, cực tím và phóng xạ...


“Khoảng 1,1 triệu người chết ở khu vực châu Á có liên quan đến công việc” - ông Sanjiv dẫn nguồn từ ILO (Tổ chức lao động thế giới năm 2010). Trong đó, một tỷ lệ lớn do ung thư. Phần lớn ca tử vong công nhân do bệnh lây từ môi trường làm việc.

“Nồng độ về hóa chất trong môi trường làm việc thấp không có nghĩa là an toàn. Nguy cơ đến từ việc: dù công nhân chỉ tiếp xúc các yếu tố vi lượng, nhưng tiếp xúc đồng thời nhiều loại khác nhau, và mang tính tích lũy”.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Ngà
(Hội Y học lao động Việt Nam)


Công việc là một “quả bom nổ chậm” - ông Sanjiv phân tích. Công nhân lắp ráp điện tử thường xuyên tiếp xúc và bị phơi nhiễm các hóa chất như benzen (một trong những dung môi gây ung thư), axeton, tricloetylen. Đa số công nhân không biết về những độc hại của các hóa chất, mà họ chỉ biết “trộn thùng đỏ với thùng xanh” - không dán nhãn”. Tại Công ty điện tử S.(Hàn Quốc), có hàng trăm công nhân đã bị ung thư và qua đời. Có những công nhân, chỉ làm việc chừng 3 tháng đã chết - ông Sanjiv dẫn chứng hàng loạt nạn nhân bị ung thư, từng là công nhân bị nhiễm độc dung môi trong nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Hàn Quốc.


Khó tìm được “công nhân cao tuổi nghề”


Tại Việt Nam, nghiên cứu đầu tiên về sức khỏe lao động ngành lắp ráp điện tử đã được thực hiện bởi các chuyên gia CDI, thực hiện tại 3 nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử (sản xuất linh kiện và lắp ráp sản phẩm máy tính, điện thoại, máy in) và gia công các chi tiết, linh kiện điện tử.


Bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “9 giờ sáng, khi chúng tôi vào nhà máy để khảo sát, trong phòng y tế đã có hàng chục người nằm”. Một người lao động cho hay: Ngày nào cũng có người bị ngất, có hôm 3 - 4 người và bị nhiều vào những ngày chuyển ca. Những người này lên phòng y tế nằm nghỉ chừng nửa tiếng, uống trà gừng và thuốc rồi lại về làm việc tiếp. Đáng lo ngại, trong tháng 6/2013, tại một xưởng, có tới 6 nữ công nhân bị sảy thai, thai chết lưu, và 1 trường hợp thai nhi bị u não, phải phá bỏ. Các bác sĩ cho biết: Trường hợp ngất xỉu của công nhân không phải không có nguyên nhân từ dinh dưỡng; cũng chưa có chứng minh mối liên hệ nghề nghiệp của nữ công nhân lắp ráp điện tử với các dị tật thai nhi, song nhiều ca bệnh giống nhau trong cùng một đơn vị sản xuất cũng là điều đáng lưu ý.


“Thoạt trông, cứ ngỡ môi trường làm việc của công nhân lắp ráp điện tử là lý tưởng với sự vệ sinh tuyệt đối. Nơi làm việc của họ là các “phòng sạch”, kín với hệ thống điều hòa, luôn chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài 5 - 12 độ C, vào những ngày hè nóng thì khoảng cách này càng tăng. Trong môi trường vi khí hậu chênh lệch như vậy, những tác động về thay đổi nhiệt trong cơ thể con người là không tránh khỏi” - bà Vân Hoài khẳng định.


Tại nơi làm việc, công nhân ngành điện tử còn phải đối mặt với tiếng ồn, ánh sáng, độ rung xóc vận chuyển, điện từ trường, bụi kim loại, hơi khí độc, hóa chất, tia cực tím, phóng xạ... Những yếu tố độc hại này tồn tại trong đa số công đoạn, ví dụ hàn các chi tiết, linh kiện điện tử, hoặc khi làm vệ sinh thiết bị, cần dùng Flux, là một hỗn hợp hóa chất bao gồm dung môi và axít, tẩy sạch bề mặt kim loại. Tất cả các nhà máy lắp ráp điện tử phải kiểm soát an ninh bằng cửa từ - điều này ít nhiều cũng tác động đến sức khỏe con người, ở cả góc độ vật lý lẫn tâm sinh lý.


Và một điều đáng kể tác động đến sức khỏe của người lao động chính là tư thế làm việc và cường độ công việc. Công nhân chủ yếu ngồi hoặc đứng trong tư thế tĩnh tại suốt cả ca làm việc chừng 12 tiếng. Độ đơn điệu của thao tác khiến con người hành động như một chiếc máy, không kể tốc độ các thao tác cực nhanh khiến họ phải tập trung cao độ. “Có chi tiết của máy in cần 500 - 600 động tác/giờ. Các con chíp siêu nhỏ, gắn bằng kính hiển vi, làm việc trên màn hình gây căng thẳng thị giác cho người thực hiện. Mắt kéo sát trong một khoảng cách cố định gây căng cơ mắt” - bà Ngô Vân Hoài phân tích. Đây cũng là lý do khiến nhiều công nhân than thở: Lúc vào làm, công ty đo thị lực 10/10 (mắt kém, công ty không nhận vào làm). Nhưng sau 8 tháng làm việc, “mắt em lúc nào cũng nhức mỏi, chảy nước. Đi đo thì mỗi mắt chỉ còn 5/10 mà thôi”!


PGS.TS Nguyễn Ngọc Ngà (chuyên gia độc chất, Hội Y học lao động Việt Nam) cho biết: Vấn đề với sức khỏe người lao động là tâm sinh lý. Nó không phải chỉ do bản chất công việc (lao động dây chuyền, căng thẳng) mà còn do cách tổ chức, quản lý lao động. Những bệnh như rối loạn cơ xương, đau đầu, mất ngủ, stress... có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác.

Tác hại trước mắt là những “bệnh vặt”, bệnh mệt”, lâu dài là những căn bệnh đáng lo ngại. “Trước kia, tôi có tham gia đoàn thanh tra an toàn vệ sinh lao động ở một trong những xí nghiệp điện tử đầu tiên của Hà Nội. 1 năm sau, bác sĩ của doanh nghiệp có than thở: Không hiểu sao công nhân trước kia rất khỏe (toàn thanh niên) mà giờ hàng loạt có dấu hiệu bệnh tim mạch, bệnh liên quan thần kinh, máu”. Tổ chức ung thư thế giới đã chỉ rõ: Sóng điện thoại di động và và thức đêm nhiều là những nguy cơ hàng đầu gây ung thư. Vậy mà công nhân ngành điện tử với đặc thù làm ca đều “dính” hai yếu tố đó.


“Hầu hết các mẫu đo các yếu tố hóa học, khí độc tại các doanh nghiệp được khảo sát đều dưới tiêu chuẩn cho phép. Nhưng chúng tôi không hiểu tại sao bệnh nghề nghiệp tại các nơi này vẫn gia tăng, nhất là các bệnh liên quan hóa chất như hô hấp, ngoài da...” - bà Ngô Vân Hoài băn khoăn. Và một điều được bà khẳng định chắc chắn: “Chúng tôi rất khó tìm được công nhân có thâm niên “cao tuổi” đời và tuổi nghề”.


Lời khẳng định này cho thấy: Bên cạnh sự bất công đối với những công nhân đã cống hiến sức khỏe và tính mạng, thì việc liên tục bị “mất” lực lượng lao động có kỹ năng cao, đã qua đào tạo thật sự là một thiệt thòi cho chính các doanh nghiệp và cho sự phát triển bền vững của ngành này.


Thuỳ Hương

Bài cuối: Minh bạch thông tin và kiện toàn các quy định

Minh bạch thông tin và kiện toàn các quy định
Minh bạch thông tin và kiện toàn các quy định

Để phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp. Người lao động, liên đoàn lao động, các bên liên quan và các nhà khoa học phải cũng phải vào cuộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN