Tham dự Giải Loa Thành năm nay có 193 đồ án dự thi, nhiều hơn 11 đồ án so với năm 2023. Một số trường có truyền thống tiếp tục gửi số lượng lớn đồ án dự Giải, tiêu biểu như Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội...
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các đồ án dự thi khối kỹ thuật, xây dựng và kinh tế xây dựng nhìn chung có chất lượng không thay đổi so với các năm trước. Các đồ án khối kiến trúc - quy hoạch đã tăng về số lượng, chiếm gần 70% tổng số bài tham dự giải thưởng, với đề tài khá đa dạng về thể loại, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào công trình công cộng.
Ban Tổ chức đã thành lập 6 hội đồng chuyên ngành với 40 chuyên gia kinh nghiệm trong từng lĩnh vực để đánh giá, tìm ra những đồ án xuất sắc, tiêu biểu trao 66 giải chung cuộc (chiếm hơn 20% tổng số đồ án tham dự Giải thưởng).
Theo Tiến sĩ Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất của mỗi ngành được tuyên dương dịp này sẽ là tiền đề giúp các sinh viên vững bước trên con đường cống hiến trí tuệ, sức, tài cho đất nước và làm nên thành công cho chính mình.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 18 giải Nhì, 24 giải Ba và 22 giải Khuyến khích cho tác giả của các đồ án xuất sắc. Trong đó, 2 giải Nhất đều thuộc về các đồ án chuyên ngành Quy hoạch - Kiến trúc đến từ Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Đồ án “Bảo tàng Chiến tranh Đông Nam Bộ”, sinh viên thực hiện Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, giảng viên hướng dẫn là Thạc sĩ, kiến trúc sư Dương Trọng Bình và đồ án: “Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan Làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky" tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sinh viên thực hiện Phan Thị Thu Trúc, giảng viên hướng dẫn là Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy.
Theo tác giả đồ án đoạt giải Nhất “Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan Làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky", đồ án được thực hiện nhằm góp phần bảo tồn và khai thác những tiềm năng vốn có, các giá trị bản địa của vùng đất tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, bên cạnh đó vẫn đáp ứng các yêu cầu về phát triển, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch của địa phương. Đồ án biểu đạt các yếu tố phát triển mới được lồng ghép hài hòa vào bối cảnh thiên nhiên rừng núi và làng xóm cũ, tạo thành một tổng thể toàn vẹn, duyên dáng, hấp dẫn đối với khách du lịch, nâng cao giá trị cảnh sắc địa phương.
Giải thưởng Loa Thành là sáng kiến của Hội Xây dựng Việt Nam (nay là Tổng hội Xây dựng Việt Nam), được tổ chức lần đầu vào năm 1988, nhằm tuyên dương những đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường đại học xây dựng và kiến trúc. Sau này, quy mô Giải thưởng được mở rộng, với sự tham gia tổ chức của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.