Các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ với 10.994 người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Tính đến 17 giờ ngày 8/10, các huyện: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5 m; các Quốc lộ: 15, 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu từ 0,5 - 1 m; các tỉnh lộ 562, 559B bị ngập với độ sâu từ 1,5 - 2 m gây cản trở giao thông. Tại tỉnh Quảng Trị có 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quốc lộ 49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1 m; nhiều tuyến Tỉnh lộ tại các huyện: Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5 m; thôn Tam Lanh thuộc xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa thuộc xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) bị ngập nước, cô lập.
Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông.
Trước tình hình trên, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại miền Trung.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử 2 Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi.
Các địa phương đã và đang khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; ban hành các công điện, văn bản, cử các đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ có thể kéo dài đến ngày 14/10 và khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới trong thời gian tới.