Trong hệ thống vận tải quốc gia, đường sắt luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng hiện nay ngành đường sắt Việt Nam đang bị tụt hậu so với các thành phần đường bộ, đường thủy và hàng không. Để vực dậy ngành đường sắt, Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh phê duyệt tổng thể ngành đường sắt đến 2020 tầm nhìn đến 2050, trong đó kế hoạch đến 2030, thị phần vận tải hành khách đạt 4%, tức tăng gấp đôi so với hiện tại. Để đạt được kế hoạch đề ra, Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển.
Thiết kế phác thảo cải tạo Ga Sài Gòn hiện hữu. |
Theo đó, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) mới đây vừa đề xuất phương án sửa chữa, thiết kế Ga Sài Gòn là điểm nhấn văn hóa mang đậm nét Sài Gòn xưa, mang chất lượng dịch vụ của ngành hàng không sang phục vụ khách hàng ngành đường sắt. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng đường sắt.
Sau khi SASCO đề nghị cải tạo ga xe lửa, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương hợp tác với các nhà đầu tư để cải tạo kết cấu hạ tầng tòa nhà Ga Sài Gòn.
Theo đó, việc cải tạo dự kiến sẽ thi công vào mùa thấp điểm quý I và hoàn thành vào quý II/2018 để trong lúc thi công sửa chữa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ của nhà ga. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ đồng.
Thiết kế không gian nhà ga với đường nét hoài cổ về một vùng đất Sài Gòn xưa. |
Cũng theo SASCO, dự án giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến hệ kết cấu chịu lực của nhà ga, chỉ cải tạo và bố trí lại công năng phù hợp hơn, tránh sự lãng phí trong sử dụng mặt bằng. Bổ sung một số dịch vụ cao cấp tại sân bay như phòng khách, tủ giữ đồ...
Sau khi hoàn tất dự án sẽ giúp tạo bộ mặt ga Sài Gòn tươi mới, là điểm nhấn lịch sử, văn hóa đậm chất Sài Gòn với các đường nét hoài cổ về một vùng đất Sài Gòn xưa; giúp hành khách thư giãn, trải nghiệm về các dịch vụ ăn uống, mua sắm có chất lượng cao trước chuyến hành trình dài.