1. Kinh tế tăng trưởng cao, môi trường đầu tư được cải thiện
Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 8,2%. Hà Nội tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp: Tổ chức thành công hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển"; thành lập mới 22.365 doanh nghiệp, tăng 19% so với năm 2015; vốn đầu tư xã hội ước đạt 462,413 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,096 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với năm 2015; thu ngân sách 155.700 tỷ đồng (đạt 101%).
2. Xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống nhân dân đạt kết quả cao
Năm 2016, thành phố có thêm 54 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội lên 255/386 xã (chiếm 66,06%) và 2 huyện. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được cải thiện, đời sống nông dân được nâng lên.
3. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tích cực
Thành phố đã tập trung xây dựng được hệ thống mạng dùng chung đến 100% xã, phường, thị trấn trên một nền tảng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất và sử dụng chung, là cơ sở thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (trong lĩnh vực tư pháp) đến tất cả 584 xã, phường, thị trấn; đã có 54% doanh nghiệp thành lập mới đăng ký qua mạng.
4. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và tổ chức đạt kết quả cao
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN. |
Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố: Cấp 1.318.412 giấy chứng nhận lần đầu trong khu dân cư (đạt 90%); cấp 143.572 giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án (đạt 81%). Đặc biệt đã cấp được 608.887 giấy chứng nhận (đạt 95,5%) cho hộ gia đình nông dân sau dồn điền, đổi thửa, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...
5. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết và đạt được kết quả tích cực. Toàn thành phố đã giảm được 59 đầu mối phòng, ban; 130 đơn vị sự nghiệp; 39 trưởng phòng và 143 phó trưởng phòng cấp sở, ban, ngành trực thuộc thành phố; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành từ 401 đơn vị giảm xuống còn 280 đơn vị (30,2%); các đơn vị sự nghiệp cấp huyện từ 169 đơn vị giảm xuống còn 66 đơn vị (60%).
6. Tri ân các thế hệ đi trước, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến; 70 năm Ngày thành lập Lực lượng vũ trang Thủ đô.
Từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân: Thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt... các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách, người có công trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu, viếng nghĩa trang liệt sỹ... có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Thủ đô. Tu sửa, nâng cấp, chỉnh trang các di tích cách mạng kháng chiến gắn với sự kiện 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến trên địa bàn Hà Nội: Làng Vạn Phúc, Chùa Trầm, Pháo đài Láng, bến đò Tứ Tổng, Ô Cầu Dền... Tổ chức thành công Lễ mít tinh cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
7. Du lịch Thủ đô tăng trưởng mạnh, Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn với du khách Thành phố đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Thành ủy, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Năm 2016, du lịch Thủ đô có bước tăng trưởng mạnh: Khách nội địa đạt hơn 21 triệu, tăng 10,8%; đón trên 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% so với năm 2015.
Thành phố tạo thêm nhiều không gian và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao... để thu hút khách du lịch và nhân dân Thủ đô. Mở rộng không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Lễ hội Hoa Anh đào; tổ chức Festival Áo dài; Lễ hội Âm nhạc mùa thu; Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016... An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo đã góp phần tạo dựng môi trường Thành phố an toàn, bình yên đối với nhân dân và du khách.
8. Tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích và phát triển văn hóa đọc
Năm 2016, Hà Nội rất quan tâm phát triển văn hóa đọc với nhiều hoạt động: Phố Sách xuân Bính Thân; Hội sách Thiếu nhi; tổ chức gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2016 - Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới; tiếp tục tổ chức Hội Sách Hà Nội 2016 - “Sách và Hội nhập” có sự tham gia của nhiều hiệp hội xuất bản và nhà xuất bản quốc tế. Đặc biệt, thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12, quận Hoàn Kiếm. Các hoạt động này góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô.