Định hướng các chuẩn mực ứng xử cho công chức Thủ đô

Mặc dù chưa ban hành nhưng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng một số quy tắc được xây dựng chưa phù hợp.

Khẳng định Bộ quy tắc là định hướng các chuẩn mực chứ không phải là những quy định mang tính chất bắt buộc như các quy định của pháp luật, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến phù hợp để Bộ quy tắc ứng xử đi vào thực tế.

Khuyến cáo, định hướng hành vi ứng xử

Được hình thành từ năm 2012 trên cơ sở bộ khung của hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội và Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành, trình Thành ủy Hà Nội cho ý kiến, chuẩn bị ban hành.


Riêng với Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội được xây dựng với mục đích định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là công chức) các chuẩn mực trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với tổ chức và công dân. Bộ quy tắc này là sự khuyến cáo, định hướng hành vi cho công chức trong thực hiện nhiệm vụ và trong ứng xử với mọi người, không phải là văn bản pháp quy hay nội quy, quy định bắt buộc. Bởi vậy, Bộ quy tắc này nêu rõ những việc phải làm, những việc không được làm như một lời đề nghị.

Hỗ trợ tư vấn cho người nộp thuế tại Bộ phận Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Chi cục thuế huyện Quốc Oai (Cục thuế Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Quy tắc ứng xử của công chức chính là định hướng, hướng dẫn mọi người trong điều kiện tham gia sinh hoạt ở khu vực cơ quan hành chính và cộng đồng phải có ý thức thực hiện theo những chuẩn mực chung. Bộ quy tắc cũng chính là lời đề nghị, khuyến khích mọi người cùng thực hiện..

Trong quá trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội, cơ quan soạn thảo đảm bảo nguyên tắc lấy từ thực tiễn để triển khai trong thực tiễn. Điều này rất quan trọng để khi Bộ quy tắc triển khai có thể tiếp cận cuộc sống một cách dễ dàng. Cơ quan soạn thảo đã tổng hợp các ý kiến trong khu vực cơ quan, đơn vị hành chính các quận, huyện trên địa bàn thành phố; ý kiến từ các cuộc thảo luận của hội nghị đại biểu nhân dân do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức và thông qua các tài liệu tham khảo.

Bộ quy tắc xây dựng dễ hiểu, câu chữ ngắn gọn và có giải thích rõ ràng. Ngoài quy tắc ứng xử chung, Bộ quy tắc đề cập đến công chức ứng xử với đồng nghiệp, công chức ứng xử với công dân và các quan hệ xã hội, ứng xử giữa các cơ quan. Khi công chức đến nơi làm việc, ngoài việc tuân thủ theo Luật Công chức và các nội quy cơ quan, đơn vị thì cách ứng xử với đồng nghiệp và các mối quan hệ khác không kém phần quan trọng; trang phục cần lịch sự, gọn gàng, phù hợp với môi trường công sở, trang sức, mỹ phẩm trang nhã, không xăm, vẽ hình phảm cảm…

Lắng nghe để đạt tính khả thi cao

Đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhìn chung, các ý kiến đều đồng tình khi thành phố xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho công chức khi mà nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của công chức Thủ đô liên tiếp xảy ra trong thời gian gần, đây khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, một số quy tắc được xây dựng khiến dư luận còn băn khăn và cho rằng chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong dự thảo có nêu quy tắc về trang phục của công chức phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối; sử dụng trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm, nước hoa nhẹ nhàng, phù hợp; đầu tóc không nhuộm màu phản cảm… Mọi người cho rằng, các quy tắc này là quá cứng nhắc, ví dụ trong trang phục rất nhiều áo, váy không cổ nhưng vẫn lịch sự. Hay nước hoa người này cho là chưa phù hợp, người kia cho là phù hợp, tóc nhuộm màu như nào là phản cảm... nên khó có thể định lượng được vấn đề này.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi chia sẻ cái khó đối với cơ quan soạn thảo nhưng Bộ quy tắc ứng xử mà quy định chi tiết quá sẽ đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Quy tắc được xây dựng phải trên nguyên tắc phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng cũng phải phù hợp với thông lệ thế giới”.

Trước nhiều ý kiến của dư luận, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến hợp lý để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho công chức hoàn thiện và mang tính khả thi cao. Thành ủy Hà Nội vừa họp, cho ý kiến về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội, giao Ban Tuyên giáo Thành ủy thẩm tra và dự kiến thành phố ban hành vào đầu năm 2017.

Sau khi ban hành, Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội sẽ được làm điểm, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức những cuộc trao đổi, thảo luận để dần thay đổi nhận thức và hành vi của công chức. Vấn đề này sẽ là quá trình lâu dài, trong đó Thành ủy Hà Nội chỉ đạo cán bộ, đảng viên sẽ là hạt nhân gương mẫu trong thực hiện, không chỉ ở trong cơ quan, đơn vị mà còn ở cả cộng đồng.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
"Chỉnh" văn hóa ứng xử của công chức Thủ đô
"Chỉnh" văn hóa ứng xử của công chức Thủ đô

Chưa khi nào văn hóa ứng xử của công chức Hà Nội được nhắc đến nhiều như thời điểm này, khi mà gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đạo đức, hành vi ứng xử của công chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN