Theo tờ Kyiv Post ngày 8/9, điều đáng chú ý là các xe tăng này được trang bị các tấm cao su gia cố, che khoảng cách giữa tháp pháo và thân xe tăng, cũng như che các khe lưới động cơ phía sau. Đây được cho là biện pháp chống thiết bị bay không người lái mới nhất mà nhà sản xuất lắp đặt.
Trong hơn một thế kỷ qua, xe tăng đã chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng trong chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động năm 2022, vị thế này của xe tăng đã bị lung lay do các thiết bị bay không người lái chuyên tiêu diệt xe tăng. Một số nguồn tin cho rằng các thiết bị bay không người lái FPV (góc nhìn thứ nhất) là thủ phạm gây ra tới 2/3 tổn thất xe tăng của Nga.
Điều này đã khiến các chỉ huy quân sự của cả Nga và Ukraine tìm các biện pháp đối phó với mối đe dọa từ các thiết bị bay không người lái FPV, vốn ngày càng trở nên hiệu quả hơn nhờ các cải tiến công nghệ, có thể mang nhiều thuốc nổ và có khả năng điều khiển tinh vi hơn.
Các bên đã tìm cách sáng tạo công nghệ để bảo vệ xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, nhưng kết quả lại chưa như ý muốn. Nhiều khi, các giải pháp được áp dụng lại tạo ra vấn đề và điểm yếu mà người điều khiển thiết bị bay không người lái có thể lợi dụng.
Các biện pháp đối phó ban đầu nhằm ngăn chặn thuốc nổ trên thiết bị bay không người lái xâm nhập vào thân xe tăng. Đầu tiên, người ta sử dụng các lồng bảo vệ tháp pháo, nơi giáp mỏng nhất, sau đó mở rộng các lồng kim loại này để bao quanh toàn bộ xe tăng. Tuy nhiên, những biện pháp này đã làm giảm khả năng quan sát và sử dụng vũ khí chính của kíp lái xe tăng. Một phát ngôn viên quân đội Nga giải thích: “Trong quá trình hoạt động, những cấu trúc kim loại này bị biến dạng, gãy vỡ và mất đi tính năng bảo vệ”.
Từ tháng 4, biện pháp thay thế hoặc gia cố giáp bảo vệ này bằng các hộp kim loại chắc chắn hơn đã được thực hiện, để bảo vệ xe tăng khỏi các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, mức độ bảo vệ cải thiện này một lần nữa gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính năng của xe tăng.
Cùng với việc sử dụng giáp phụ, phía Nga cũng thử gắn thiết bị tác chiến điện tử chống thiết bị bay không người lái như hệ thống Volnorez và Arena-M lên xe tăng. Volnorez phát ra nhiễu sóng radio, làm gián đoạn tín hiệu điều khiển giữa thiết bị bay không người lái và người điều khiển, buộc thiết bị bay phải hạ cánh hoặc lơ lửng cho đến khi hết pin. Arena-M là hệ thống bảo vệ chủ động, phóng một trong 26 đầu đạn đánh chặn khi một mối đe dọa di chuyển với tốc độ từ 240 đến 2.400 km/h tiếp cận trong bán kính 50 mét.
Tuy nhiên, các thiết bị bay không người lái mới nhất của Ukraine tích hợp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác giúp vượt qua nhiễu sóng và có thể hoạt động độc lập nếu bị gián đoạn với người điều khiển.
Các tấm cao su trên xe tăng T-90 mới là nỗ lực nhằm tạo ra một giải pháp tiết kiệm chi phí, dễ lắp đặt và kíp lái có thể điều chỉnh. Hiện chưa rõ hiệu quả của các tấm này như thế nào không rõ có chịu đựng được hao mòn trong quá trình hoạt động hàng ngày hay không.