Mỹ và các nước đồng minh đang tiếp tục đầu tư quy mô lớn cho F-35 và những chiến đấu cơ có khả năng tàng hình khác. Nhưng Nga và Trung Quốc lại đang tăng cường phát triển các hệ thống có khả năng triệt tiêu những lợi thế công nghệ tàng hình của phương Tây.
Theo chuyên gia Zarchary Keck, cả Moscow và Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển những phương tiện hàng không không người lái với mục đích nhằm tìm kiếm, theo dõi và cuối cùng là tiêu diệt máy bay tàng hình của đối phương.
Máy bay không người lái phát hiện tàng hình của Trung Quốc, hay còn gọi là Divine Eagle, được xem là một thiết kế đặc biệt để chống lại máy bay tàng hình trong khi chúng vẫn còn bay ở cách xa lãnh thổ Trung Quốc.
Máy bay không người lái phát hiện tàng hình Divine Eagle của Trung Quốc. Ảnh: BI |
Tạp chí Popular Science của Mỹ lưu ý rằng những khả năng chống tàng hình của máy bay không người lái có thể được sử dụng để đối phó với cả máy bay và tàu chiến tàng hình như máy bay ném bom B-2 hay tàu khu trục DDG-1000 của Mỹ... Lực lượng không quân Trung Quốc có thể nhanh chóng đánh chặn máy bay, tên lửa và tàu chiến tàng hình của đối phương hiệu quả trước khi chúng tấn công vào lãnh thổ nước này.
Theo Popular Science, máy bay Divine Eagle được trang bị những hệ thống radar đa năng khác nhau, trong đó có các radar tần số thấp X/UHF. Những hệ thống này có khả năng được sử dụng để phát hiện máy bay tàng hình như F-35 từ xa, trong khi hầu hết các công nghệ tàng hình được thiết kế để tránh các hệ thống radar tần số cao, do đó nó sẽ làm xói mòn một trong những ưu thế chính của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 (Mỹ).
Divine Eagle dường như đã được cải tiến nhằm hạn chế những tín hiệu hồng ngoại - điều có thể giúp đảm bảo khả năng tàng hình đầy tham vọng của máy bay này.
Trong khi đó, Nga cũng đã phát triển máy bay không người lái phát hiện tàng hình của riêng mình. Trang Flight Global cho biết nhà thầu quân sự KRET của Nga đã cho ra mắt một mẫu thử nghiệm máy bay không người lái tàng hình tại triển lãm hàng không MAKS đang diễn ra ở Moscow trong tháng 8/2015.
Loại máy bay này, theo Flight Global, cũng sẽ đến được trang bị các hệ thống radar tần số UHF và X-band có thể được sử dụng để phát hiện máy bay tàng hình. Ngoài ra, nó cũng được tích hợp một hệ thống chiến tranh điện tử, vừa có khả năng ngụy trang cho máy bay vừa làm cho nó khó bị tấn công bởi các tên lửa không đối không.
Những vũ khí mới chống tàng hình của Nga và Trung Quốc có thể làm xói mòn một trong những ưu thế chính của F-35, Mỹ. Ảnh: BI |
Nếu các hệ thống trên của Trung Quốc và Nga thực sự có hiệu quả, thì sự phụ thuộc của Mỹ vào công nghệ tàng hình sẽ cần phải được đánh giá lại một cách triệt để.
Tuy nhiên, những tuyên bố của cả Trung Quốc và Nga về vị thế công nghệ của họ thường được nhìn nhận với một số hoài nghi.
Theo các chuyên gia phương Tây, công nghệ quân sự của Trung Quốc thường được dựa trên thiết kế “lấy cắp” từ Mỹ và các nước tiên tiến khác, trong khi năng lực nghiên cứu và phát triển trong nước của Bắc Kinh vẫn còn là một dấu hỏi. Ngoài ra, vấn đề tham nhũng trong quân đội có thể làm suy yếu khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến của nước này.
Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trước những tham vọng quân sự của mình. Những khó khăn về kinh tế - một phần là do lệnh trừng phạt của EU và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine - đã hạn chế khả năng mua sắm vũ khí của Nga. Hiện tại, Moscow có thể sẽ phải hủy việc xây dựng các xe tăng thế hệ tiếp theo đã được lên kế hoạch và dừng kế hoạch phát triển một máy bay ném bom thế hệ thứ năm. Chương trình chế tạo máy bay không người lái chống tàng hình mới trên có lẽ cũng phải đối mặt với những khó khăn tài chính tương tự.
Tuy nhiên, Mỹ cũng nên lo lắng về tiềm năng ngày càng tăng của những chiếc máy bay không người lái chống tàng hình, khi nó phơi bày một sự thật là: phụ thuộc lớn vào công nghệ tàng hình bỗng nhiên trở nên ít có giá trị về chiến lược và chiến thuật.