Đây là nỗ lực thứ hai của nước này trong việc phóng thử tên lửa đẩy thế hệ mới lên quỹ đạo sau lần đầu tiên thất bại vào tháng 3/2020.
Theo hãng tin CNN, tên lửa được phóng từ bãi phóng không gian Wenchang thuộc tỉnh Hải Nam. Tên lửa Trường Chinh 7A mang theo vệ tinh Shiyan-9 nhằm thử nghiệm công nghệ mới như giám sát môi trường không gian.
Vệ tinh thử nghiệm này là kết quả sau 8 tháng Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) nghiên cứu và phát triển.
Xem video Trung Quốc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 7A sáng 12/3 (nguồn: CGTN):
Tên lửa Trường Chinh 7A là tên lửa 3 giai đoạn với 4 động cơ đẩy, dài 60,1 m và có đường kính 3,35 m. Nó có khả năng mang theo 7 tấn trọng tải lên quỹ đạo chuyển địa tĩnh (GTO) – cách bề mặt Trái Đất 35.405 km.
Tên lửa được thiết kế chủ yếu nhằm mục đích đưa vệ tinh lên GTO và sau này có tiềm năng đưa đến những nơi khoảng cách xa hơn như Mặt Trăng, Sao Hỏa và các tiểu hành tinh.
Nỗ lực phóng tên lửa Trường Chinh 7A được thực hiện vào tháng 3/2020, song thử nghiệm thất bại. Vào thời điểm đó, giới chức Trung Quốc cho biết các kỹ sư sẽ điều tra nguyên nhân khiến vụ phóng thất bại song không tiết lộ thêm chi tiết. Theo CASC, từ giờ đến 2025, mỗi năm Trung Quốc dự kiến phóng 3-5 tên lửa Trường Chinh 7.
Tháng 7/2020, Trung Quốc đã triển khai sứ mệnh không người lái đầu tiên lên sao Hỏa với tàu thăm dò Thiên Vấn-1. Tháng 12/2020, phi thuyền Trường An không người lái của Trung Quốc đã mang các mẫu vật từ Mặt Trăng trở về Trái Đất.
Ngày 9/3, cơ quan vũ trụ hàng không Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với cơ quan vũ trụ Nga để cùng xây dựng một trạm vũ trụ chung trên Mặt Trăng, sẵn sàng mở cửa đón tiếp đối với tất cả các nước.