Từ cách đây 2 năm, CETC cho biết các nhà khoa học của tập đoàn này đã thử nghiệm radar lượng tử có tầm hoạt động 100 km, phát hiện được chiến đấu cơ tàng hình ở khoảng cách xa.
Trong một triển lãm công nghiệp tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 15/6, CETC tuyên bố công nghệ mới nhất còn có thể khiến radar lượng tử của tập đoàn này thêm phần “nhạy thính”. Theo đó, loại radar này có thể “theo dõi hiệu quả vật thể bay tốc độ cao trên thượng tầng khí quyển và hơn nữa”.
Một tên lửa đạn đạo của Mỹ được phóng từ căn cứ Không quân ở California. Ảnh: Reuters |
Nhà nghiên cứu Xia Linghao làm việc tại CETC chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng công việc lý thuyết đã được hoàn thành và tập đoàn này đang bắt tay vào thử nghiệm loại radar lượng tử mới này.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết “vật thể bay tốc độ cao” mà CETC nhắc đến ở đây có thể bao gồm tên lửa đạn đạo, vệ tinh ở tầm thấp… - những mục tiêu quan trọng cần theo dõi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết radar lượng tử vận hành nhờ công nghệ đo photon đơn, dựa trên trạng thái lượng tử của hạt hạ nguyên tử. Do vậy, radar lượng tử vô cùng hữu dụng trong phát hiện những vật thể khó “nắm bắt” như chiến đấu cơ tàng hình.
Radar lượng tử thường sản sinh ra các cặp photon. Một photon trong cặp sẽ truyền đi vào không khí trong khi photon còn lại “bám trụ” ở trạm radar. Nếu định vị được mục tiêu, photon ra đi sẽ quay trở lại và được nhận diện bởi photon “song sinh” ở trạm radar. Từ đây, các nhà nghiên cứu sẽ đo đạc photon quay trở về để rút ra kết luận về tốc độ, kích thước, góc tấn công của mục tiêu.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang đầu tư phát triển hệ thống radar lượng tử nhưng được cho là đang nắm trong tay công nghệ tối tân nhất về thiết bị này. Trung Quốc luôn coi các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ là mối đe dọa do vậy cần phải có phương thức phòng thủ.