Trực thăng tấn công Apache của quân đội Mỹ. |
Theo tuyên bố của nhà sản xuất Raytheon, đây là “lần đầu tiên một hệ thống laser tích hợp hoàn toàn thành công phóng trúng mục tiêu từ một máy bay cánh xoay ở bất kỳ chế độ, độ cao và tốc độ nào”.
Chiếc trực thăng này có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 1,5 km, sử dụng sự kết hợp giữa tia laser và một bộ phận cảm ứng có tên gọi Hệ thống Mục tiêu Đa Quang phổ. Hệ thống này làm nhiệm vụ “do thám tầm xa, theo dõi, xác định khoảng cách và điểm đến mục tiêu” để súng laser phóng bắn.
Đặc điểm vô hình và không tạo ra âm thanh của loại vũ khí này khiến nó khó bị đối phương phát hiện.
Với việc mỗi lần lắp đặt nòng phóng tên lửa và súng máy 30 mm trên trực thăng Apache tốn kém lên tới 115.000 USD, vũ khí laser có thể tiết kiệm chi phí, vì súng laser không hết đạn.
Tuy nhiên, Matthew Ketner – người đứng đầu chi nhánh Sát nhập và Kiểm soát Laser năng lượng cao tại Virginia – nhận xét nhược điểm của loại vũ khí này là có vấn đề đối với khả năng nhìn xuyên khói bụi, sương mù.
Hiện quân đội Mỹ vẫn đang tập trung nâng cao sức mạnh vũ khí laser. Năm 2014, Mỹ đã cho thử nghiệm thực địa với ống phóng lắp đặt trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce, thành công bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) do thám loại nhỏ.
Trong khi đó, Không quân Mỹ thông báo tháng 4 vừa qua lực lượng này cũng đã lắp đặt vũ khí laser lên “pháo đài bay” B-52 và lên kế hoạch thử nghiệm súng laser trên cường kích AC-130J.