Theo hãng tin Bloomberg, một nhà lập pháp đối lập đã nêu vấn đề chia sẻ vũ khí hạt nhân với Thủ tướng Kishida tại cuộc họp Quốc hội cùng ngày. Một ngày trước đó, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đề xuất quốc gia này nên lập thoả thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân với đồng minh Mỹ, giống như cách mà các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thực hiện.
Đáp lại, ông Kishida nói: “Từ quan điểm duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân hóa của Nhật Bản, việc này không được phép xảy ra”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cũng khẳng định Chính phủ Nhật Bản không nghĩ đến việc sửa đổi các nguyên tắc phi hạt nhân hóa của mình.
Sự bất đồng quan điểm giữa Thủ tướng Fumio Kishida và người tiền nhiệm Shinzo Abe xảy ra trong bối cảnh Tokyo đang theo dõi sát những diễn biến ở Ukraine cũng như ảnh hưởng của chúng đối với khu vực Đông Á.
Nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã tích cực vận động loại bỏ vũ khí hạt nhân sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị tàn phá nặng nề bởi bom nguyên tử vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai.
Nhật Bản - quốc gia duy nhất hứng chịu các cuộc tấn công hạt nhân - đã chính thức duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân là không sở hữu, không sản xuất và không cho phép đưa vào sử dụng vũ khí hạt nhân, do Thủ tướng Eisaku Sato đề ra năm 1967.
Theo hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, quốc gia này chủ yếu dựa vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ để đảm bảo an ninh.