Theo đánh giá của các chuyên gia, tên lửa do Đức và Thụy Điển sản xuất này có thể tiếp cận các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga khi phóng từ Ukraine. Ukraine đã yêu cầu Đức cung cấp các tên lửa này để hỗ trợ cho tên lửa tầm xa Storm Shadow và Scalp được Anh và Pháp gửi đến trước đó.
Mùa xuân năm 2023, Anh thông báo họ đã gửi tên lửa Storm Shadows có tầm bắn hơn 250 km để giúp Ukraine có khả năng tấn công tốt hơn trên chiến tuyến. Ukraine cam kết không sử dụng tên lửa này để tấn công vào nước Nga. Sau đó, Pháp cũng gửi tên lửa Scalp cho Kiev và đảm bảo chúng sẽ không có khả năng tấn công đất Nga.
Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn luôn công khai từ chối gửi tên lửa Taurus cho Kiev. Tuần trước, nhà lãnh đạo nói rằng việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev sẽ có nguy cơ khiến đất nước ông trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngược lại, một số thành viên của phe đối lập bảo thủ và thậm chí một số nghị sĩ trong liên minh ba đảng tự do xã hội của ông lại muốn gửi tên lửa cho Ukraine. Tuy nhiên, ý kiến này không được ủng hộ rộng rãi.
Truyền thông Đức nhận định với quyết định không chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine, ông Scholz muốn tạo dựng hình ảnh một "thủ tướng hòa bình" trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.
“Nhiều người lo ngại chiến tranh có thể lan rộng. Từ lâu Thủ tướng Scholz đã nhận thức được nỗi lo ngại này”, tạp chí tin tức Der Spiegel viết ngày 1/3.
Trong khi đó, đối với các nhà chiến lược quân sự, động thái này cũng thể hiện một mối lo khác.
Theo hãng tin nước ngoài, trong một bản ghi chú hồi đầu năm, ông Gustav Gressel - thành viên chính sách cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu - chỉ ra trong khi Anh và Pháp đã phát triển các phiên bản kế nhiệm cho Storm Shadows và Scalps thì Đức vẫn chưa có vũ khí kế cận.
Ông lập luận người Đức lo ngại kho tên lửa Taurus có thể cạn kiệt. Bên cạnh đó, khi sử dụng vũ khí tại Ukraine, Nga có thể hiểu rõ về khả năng tàng hình của vũ khí này và đưa ra các biện pháp đối phó.
Ngày 2/3, người đứng đầu kênh RT của Nga, nữ nhà báo Margarita Simonyan đã đăng một đoạn ghi âm dài 38 phút lên kênh Telegram, khẳng định nội dung đoạn ghi âm cho thấy các sĩ quan Đức đang thảo luận cách thức tấn công cây cầu kết nối giữa Crimea và Nga. Nội dung của đoạn ghi âm cho thấy cuộc thảo luận của các sĩ quan cấp cao Đức về khả năng Ukraine sẽ tấn công một số mục tiêu ở Crimea bằng tên lửa Taurus do Đức sản xuất.
Bộ Quốc phòng Đức xác nhận đang tiến hành rà soát xem liệu thông tin về hội nghị trực tuyến bí mật của lực lượng không quân nước này về xung đột Nga-Ukraine có bị nghe lén hay không, sau khi đoạn ghi âm về hội nghị bất ngờ được đăng trên mạng xã hội cùng ngày.
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Italy, Thủ tướng Scholz khẳng định vụ việc này là "rất nghiêm trọng", và cần phải được điều tra kĩ càng và nhanh chóng.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay đoạn ghi âm bị rò rỉ là bằng chứng cho thấy phương Tây và cụ thể là Đức theo đuổi một chính sách thù địch đối với Nga. Ông tuyên bố Nga mong đợi được biết kết quả cuộc điều tra vụ việc do Thủ tướng Scholz tuyên bố.