Trong thông cáo báo chí công bố ngày 4/7, Lầu Năm Góc cho biết nỗ lực trên sẽ được thực hiện trong vài năm tới nhằm tăng cường liên minh Mỹ-Nhật, tăng cường răn đe trong khu vực và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch, 48 máy bay chiến đấu F-35A thế hệ thứ năm sẽ thay thế 36 chiếc F-16 tại Căn cứ Không quân Misawa ở miền Bắc Nhật Bản và 36 máy bay F-15EX hoàn toàn mới sẽ được triển khai tới Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa phía Nam, thay thế 48 chiếc cũ hơn. Thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết các mẫu F-15C/D cũ đã được rút khỏi khu vực trong năm qua.
Lầu Năm Góc cho biết số lượng chiến đấu cơ F-35B cũng sẽ được điều chỉnh tại Căn cứ Không quân Thủy quân lục chiến Iwakuni, trên đảo Honshu ngay phía Nam Hiroshima.
“Kế hoạch của bộ quốc phòng triển khai máy bay chiến thuật tiên tiến nhất của Lực lượng Liên quân tại Nhật Bản thể hiện cam kết cứng rắn của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản và tầm nhìn chung của cả hai nước về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, thông cáo báo chí viết.
Về phần mình, Nhật Bản đánh giá kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu mới ở nước này sẽ tăng cường năng lực của Mỹ ở đó.
“Đối mặt với môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, cũng như trong bối cảnh các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của các nước láng giềng, Mỹ đang duy trì và tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản để thúc đẩy hơn nữa khả năng răn đe và ngăn chặn, ứng phó của liên minh Nhật-Mỹ”, Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết trong cuộc họp giao ban thường kỳ cùng ngày.
Lực lượng Không quân Mỹ coi Căn cứ Không quân Kadena là “Nền tảng của Thái Bình Dương”. Trong hơn bốn thập kỷ, những chiếc F-15 mẫu cũ triển khai tại đây là lực lượng then chốt thể hiện khả năng răn đe của Mỹ trong khu vực. Từ năm 2022, khi các máy bay chiến đấu hai động cơ sắp hết thời gian phục vụ, Không quân Mỹ bắt đầu rút chúng khỏi căn cứ Kadena.
Theo đánh gía của các nhà sản xuất quân sự, sự hiện diện thường trực của những chiếc F-15EX mới sẽ mang lại sự ổn định cho cơ cấu lực lượng.
F-15EX là một bước nhảy vọt so với các mẫu cũ. Nhà sản xuất Boeing cho biết máy bay này có khả năng vũ khí vô song, với khả năng mang theo 12 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và phóng chúng từ một phạm vi xa hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác trong khu vũ khí của Không quân Mỹ.
Dù không phải là máy bay chiến đấu tàng hình như F-35 nhưng Boeing cho biết F-15EX có khả năng sống sót cao. Trên trang web của mình, công ty miêu tả F-15EX đóng vai trò như một hệ thống vũ khí tầm xa, có khả năng xâm nhập và sống sót trong những môi trường có tính cạnh tranh cao.
Nhà phân tích hàng không quân sự Peter Layton cho biết F-15EX sẽ là mối lo ngại đối với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột nào. Ông cho biết mẫu chiến đâu cơ này có thể được trang bị tên lửa hành trình tầm xa tàng hình với tầm bắn hơn 800 km.
F-15EX là máy bay chiến đấu mới nhất của Không quân, chiếc máy bay hoạt động đầu tiên được giao cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Oregon vào đầu tháng 6.
Trong khi đó, những chiếc F-35A sẽ đồn trú tại Căn cứ Không quân Misawa là những máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của Không quân Mỹ. Chúng từ lâu đã được chỉ định là phương án thay thế cho những chiếc F-16 trong kho vũ khí của lực lượng không quân.
Việc triển khai máy bay thế hệ mới góp phần vào những cải tiến khác mà Washington đang thực hiện đối với cơ cấu lực lượng của mình ở Nhật Bản, nơi Mỹ có hơn 50.000 quân.
Okinawa có hơn 25.000 quân nhân Mỹ và hơn hai chục cơ sở quân sự. Khoảng 70% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản nằm ở Okinawa.
Năm 2022, Mỹ và Nhật Bản thông báo một đơn vị Thủy quân lục chiến mới được tái thành lập với khả năng tình báo, giám sát tiên tiến và khả năng bắn tên lửa chống hạm sẽ đóng tại Nhật Bản.
Liên minh giữa Nhật Bản với Mỹ đang ngày càng được chú ý trong khu vực khi Tokyo miêu tả phải đối mặt với những mối đe doạ ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.