Thợ săn biển, tàu tự hành được thiết kế để chống ngầm. |
Lầu Năm Góc cho biết “Sea Hunter” dài 40m và được thiết kế như một thiết bị hải quân vận hành trong 2-3 tháng liên tục mà không cần thủy thủ đoàn hay điều khiển từ xa. Khả năng tồn tại và tự hành này biến “Sea Hunter” thành một “sát thủ” đáng gờm đối với các tàu ngầm đối phương. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work bày tỏ hy vọng các tàu kiểu Sea Hunter sẽ chứng tỏ được vai trò tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong vòng 5 năm tới.
Theo giới chức Lầu Năm Góc, “Sea Hunter” được phát triển phù hợp với chiến lược phối hợp hoạt động với các máy bay không người lái, khí tài quân sự thông thường trên không, trên biển và trên bộ. Việc Quân đội Mỹ đưa vào sử dụng tàu tự hành “Sea Hunter” diễn ra trong bối cảnh các hoạt động tăng cường hải quân của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng hạm đội tàu ngầm của nước này, khiến Washington quan ngại các nhóm tàu sân bay và tàu ngầm của nước này sẽ dễ bị tấn công hơn tại Tây Thái Bình Dương.
Ông Peter Singer, chuyên gia về chiến tranh robot tại tổ chức tư vấn Quĩ Mỹ mới, nhận định một khi chứng minh được độ an toàn và tính hiệu quả, các tàu kiểu “Sea Hunter” có thể được triển khai cho Hạm đội 7 của Mỹ đóng ở Nhật Bản.
“Sea Hunter” trị giá khoảng 20 triệu USD/chiếc và chi phí vận hành mỗi ngày khoảng 15.000-20.000 USD. Tàu được trang bị các hệ thống radar và camera tối tân. Tàu có thể đạt vận tốc 31 hải lý/giờ nhờ được trang bị 2 động cơ chạy bằng nhiên liệu diezen.
* Nghị sĩ Mỹ ủng hộ bán F-18 cho Kuwait, Qatar
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Tiểu ban Chuẩn chi ngân sách Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham ngày 7/4 tuyên bố có thể ông sẽ ủng hộ việc bán các thiết bị quân sự tối tân, trong đó có máy bay tiêm kích F-18 cho Qatar và Kuwait, bất chấp những quan ngại của đồng minh Israel.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc một chuyến thăm tới Trung Đông, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những chính khách có tiếng nói quan trọng nhất về chính sách đối ngoại tại Quốc hội Mỹ, nói: “Lập luận của Israel là chúng ta đang chứng kiến các chế độ láng giềng đang thay đổi nhanh chóng. Hãy thận trọng khi chuyển giao vũ khí mới tới khu vực này… Tuy nhiên, tôi đã nói với những người bạn Israel rằng chúng tôi cần các đối tác. Nhưng đối tác thì phải có năng lực, do đó tôi có thể sẽ thúc đẩy việc tăng cường năng lực cho các quốc gia Arập Vùng Vịnh, trên cơ sở tính đến những quan ngại của Israel".
Chính phủ Israel lo ngại các khí tài được chuyển giao cho các quốc gia Vùng Vịnh có nguy cơ “đến nhầm đối tượng” và cuối cùng rơi vào tay các lực lượng chống đối Nhà nước Do Thái.