Ông Trump với tham vọng xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' kiểu Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump một lần nữa cam kết triển khai lá chắn tên lửa "Made in America" để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng ý tưởng đầy tham vọng này đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả trong bối cảnh địa lý và mối đe dọa khác biệt.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) được kích hoạt tại thành phố Sderot, Israel để đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza, ngày 13/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Newsweek mới đây, trong một động thái gây chú ý, Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa cam kết sẽ xây dựng mạng lưới phòng không "Iron Dome" (Vòm Sắt) cho Mỹ, mặc dù chưa nêu rõ cách thức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa theo mô hình của Israel này.

Phát biểu tại cuộc mít tinh ở Phoenix, bang Arizona ông Trump tuyên bố: "Tôi sẽ chỉ đạo quân đội của chúng ta bắt đầu xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa Iron Dome vĩ đại, sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, phần lớn sẽ diễn ra ngay tại Arizona". Cam kết này từng xuất hiện trong các chương trình tranh cử của đảng Cộng hòa và được xem như một "lời hứa cốt lõi" của ông Trump.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ được đề cử Mike Waltz cũng ủng hộ ý tưởng này khi phát biểu đầu tháng: "Chúng ta cần một Vòm Sắt cho nước Mỹ".

Tại Arizona, ông Trump còn nhắc đến cố Tổng thống Ronald Reagan: "Tổng thống Reagan đã muốn làm điều đó từ rất nhiều năm trước, nhưng thời đó thực sự không có công nghệ... Nhưng giờ chúng ta đã có".

Cố Tổng thống Reagan từng thúc đẩy Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), hay còn gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao", nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô tại nhiều điểm khác nhau trên quỹ đạo bay.

Iron Dome, được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries, là hệ thống phòng không của Israel có khả năng đánh chặn đạn pháo và các tên lửa tầm ngắn trong phạm vi khoảng 70 km. 

Mặc dù Mỹ đã tham gia vào quá trình phát triển hệ thống này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi của việc triển khai Iron Dome tại Mỹ.

Lý do chính là sự khác biệt về địa lý và mối đe dọa. Trong khi Israel - quốc gia bị bao quanh bởi các đối thủ lâu năm - sử dụng Iron Dome cùng với các hệ thống David's Sling và Arrow 3 để đối phó với các loại tên lửa khác nhau, thì mối đe dọa chính đối với Mỹ lại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Gần đây nhất, vào giữa tháng 10 năm nay, Mỹ đã gửi cho Israel một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhằm tăng cường khả năng phòng không của nước này chống lại nhiều loại tên lửa đạn đạo, đặc biệt sau cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn từ Iran.

Cam kết về xây dựng "Vòm Sắt" cho nước Mỹ của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào năm 2022. Điều đáng chú ý là trước đây ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột này trong vòng 24 giờ nếu đắc cử, nhưng chưa đưa ra cách thức.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Newsweek.com)
Cách ông Trump có thể định hình lại chính sách và chính trị Mỹ năm 2025
Cách ông Trump có thể định hình lại chính sách và chính trị Mỹ năm 2025

Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với những kế hoạch táo bạo về thuế quan, nhập cư và đối ngoại. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những chính sách này có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN