Nhà phân tích Jeffery McCormick tại Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia đã đưa ra nhận định trên trong buổi điều trần với Tiểu ban Các lực lượng Chiến lược thuộc Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ hôm 12/3.
Hãng Bloomberg (Mỹ) dẫn lời ông McCormick phân tích kho vũ khí siêu vượt âm hàng đầu thế giới là thành quả của 20 năm Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghệ và năng lực của vũ khí thông qua đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai mạnh mẽ, tập trung.
Kho vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 gắn trên thiết bị thiết bị lượn siêu vượt âm (HGV). Trung Quốc còn sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, cũng gắn với HGV.
Theo ông Jeffrey McCormick, tên lửa siêu vượt âm đáng gờm nhất của Trung Quốc là DF-17 vốn được triển khai từ năm 2020 và tầm bắn 1.600 km có thể vươn tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ông còn cho rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để nước này triển khai số lượng lớn tên lửa siêu vượt âm phù hợp với kế hoạch xây dựng lực lượng tên lửa mạnh mẽ và hiện đại hóa.
Ông Jeffrey McCormick cho rằng Nga đi sau Trung Quốc về lượng vũ khí tồn kho cũng như hệ thống hỗ trợ. Kho vũ khí siêu vượt âm của Nga bao gồm tên lửa Kinzhal có thể di chuyển với tốc độ Mach 10 và tầm bắn 1.982 km. Các tên lửa siêu vượt âm khác của Nga bao gồm Tsirkon phóng từ chiến hạm đạt tốc độ Mach 8 và SS-19 Mod 4.
Ông McCormack lưu ý rằng Nga cũng tuyên bố ý định mở rộng kho vũ khí siêu vượt âm chiến lược trong những năm tới bằng cách đặt nhiều thiết bị lượn siêu vượt âm trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và phát triển một tên lửa tầm xa siêu vượt âm phóng từ trên không có tên Kh-95.
Về phần Mỹ, bất chấp nhiều nỗ lực, nước này vẫn loay hoay trong “giấc mơ” phát triển được tên lửa đạt tốc độ Mach 5 - gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia về chủ đề vũ khí siêu vượt âm James Weber thừa nhận với tiểu ban Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ rằng từ năm 2018, Lầu Năm Góc đã đầu tư hơn 12 tỷ USD phát triển hệ thống vũ khí tấn công siêu vượt âm để mang đến năng lực đa dạng trên đất liền, trên biển và trên không.
Lực lượng Không quân và Lục quân Mỹ đặt mục tiêu sở hữu vũ khí siêu vượt âm vào năm 2022 và 2023. Nhưng cả hai lực lượng này đều gặp khó khăn trong thử nghiệm, khiến Không quân chuyển sang sử dụng một loại vũ khí khác và Lục quân dời kế hoạch thử nghiệm đến năm tài khóa 2025.
Cũng trong buổi điều trần ngày 12/3, các quan chức quân đội Mỹ nhấn mạnh Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh chế tạo tên lửa siêu vượt âm có thể phóng từ chiến đấu cơ, bệ phóng mặt đất, tàu khu trục và tàu ngầm. Tuy nhiên, một số thử nghiệm thất bại đã khiến chương trình vũ khí trị giá hàng tỷ USD được ưu tiên này phải lùi lại.