Kênh CNN (Mỹ) cho biết hình ảnh chiến hạm hoặc máy bay quân sự được chụp từ bên ngoài các cơ sở của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoặc từ các chuyến bay thương mại gần khu vực nhạy cảm khá phổ biến trong những năm gần đây. Và những người hâm mộ quân đội đã truyền bá hình ảnh này đến đông đảo người dân hơn qua các trang mạng xã hội như Weibo.
Tuy nhiên, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hôm 23/12 đăng trên tài khoản WeChat chính thức nêu rõ: “Đây là một sở thích thú vị nhưng bạn phải hết sức cẩn thận. Một số cá nhân đam mê quân sự gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quân sự quốc gia khi thu thập trái phép thông tin liên quan đến quốc phòng và phổ biến chúng trên internet. Họ đã lái xe hoặc đi phà, máy bay qua các tuyến đường rồi lén lút chụp ảnh bằng ống kính tele hoặc máy bay không người lái tập trung vào sân bay quân sự, bến cảng, các đơn vị công nghiệp quốc phòng”.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh những người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tù tới 7 năm. Trong khi đó, trường hợp phạm tội lần đầu hoặc thỉnh thoảng vi phạm có thể chỉ nhận cảnh cáo.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng lý giải rằng các hình ảnh được đăng tải trực tuyến có thể cho thấy tiến độ trong chiến hạm hoặc máy bay quân sự của nước này, đồng thời làm lộ các chi tiết kỹ thuật và vận hành của vũ khí.
Cơ quan giám sát tình báo và phản gián cả ở Trung Quốc và nước ngoài này cũng đặc biệt đề cập đến tàu sân bay là đối tượng có thể bị xâm phạm an ninh. Tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc mang tên Phúc Kiến, thường xuyên là mục tiêu của những người theo dõi nghiệp dư khi nó được lắp ráp tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải. Nhà máy đóng tàu Jiangnan nơi đang lắp ráp hàng không mẫu hạm này cũng nằm gần đường bay của sân bay quốc tế Pudong Thượng Hải.
Vào tháng 11, trang tin quốc phòng Naval News (Pháp) đưa tin tàu Phúc Kiến đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống máy phóng điện từ tiên tiến. Naval News nhận định dựa trên các video đăng trên mạng xã hội, dường như được quay từ một máy bay ở sân bay Pudong.
Theo Naval News, các hình ảnh được chụp từ máy bay chở khách đã trở thành nguồn phổ biến để theo dõi tiến trình của một số chương trình lớn của Hải quân Trung Quốc.
Tàu Phúc Kiến là chiến hạm lớn nhất Trung Quốc từng chế tạo. Nó được coi là đối thủ của các tàu sân bay mới nhất thuộc lớp Gerald R Ford của Hải quân Mỹ.
Những bức ảnh này đã giúp các nhà phân tích phương Tây hình dung được Hải quân Trung Quốc đang đạt được thành tựu nào trong chuẩn bị cho tàu sân bay vận hành và hoạt động. Đây cũng không phải là lần đầu tiên hình ảnh về tàu Phúc Kiến xuất hiện trên mạng.
Tháng 4 vừa qua, đài truyền hình trung ương Trung Quốc tiết lộ rằng vào tháng 11/2021, ông Luo, một người đam mê quân sự khá nổi tiếng, đã nhận bản án một năm tù sau khi bị Cục An ninh quốc gia Thượng Hải bắt giữ vì chụp ảnh tàu sân bay Phúc Kiến. Luo đã sử dụng máy bay không người lái có khả năng quay những bức ảnh có độ phân giải cao ở tầm xa.
Không chỉ Trung Quốc cảnh giác với nguy cơ những người theo dõi quân sự nghiệp dư tiết lộ thông tin nhạy cảm. Luật pháp Mỹ quy định Tổng thống có thể chỉ định một số cơ sở và thiết bị quân sự nhất định nằm trong nhóm cấm ghi hình. Bộ luật Mỹ nêu rõ: “Sẽ là bất hợp pháp nếu thực hiện bất kỳ bức ảnh, bản phác thảo, video, bản vẽ, bản đồ hoặc đồ họa trình bày về các cơ sở hoặc thiết bị quân sự và hải quân quan trọng. Trừ khi nhận được sự cho phép trước đó”. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù một năm.
Ông Carl Schuster từng làm việc tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nhận định rằng quân đội đôi khi có thể sử dụng thông tin tình báo nguồn mở để làm lợi thế cho họ. Sau khi những bức ảnh về một mô hình nghi ngờ là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo của Trung Quốc xuất hiện trên mạng vào tháng 9, ông Schuster đánh giá với CNN: “Hải quân Trung Quốc có thể thấy giá trị trong việc kích động suy đoán về phi đội tương lai của Phúc Kiến, chỉ để khiến đối thủ phải suy nghĩ”.