Đồ họa đường bay của tên lửa Triều Tiên phóng hôm 4/7 do Nga cung cấp. |
Trước đó, phía Mỹ khăng khăng và Triều Tiên cũng lên tiếng khẳng định đó là
một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).Theo kênh truyền hình RT, trong bức thư của phái đoàn Nga tại LHQ gửi tới Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA), có đoạn: “Hệ thống radar loại Voronezh được lắp đặt tại khu vực Irkutsk đã theo dõi lần phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-14 của Triều Tiên. Quả tên lửa này bay được quãng đường dài 510 km trong 14 phút, đạt độ cao 535 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản”.
Một hình đồ họa đường bay của tên lửa và khu vực mà nó bay qua cũng được đính kèm trong bức thư.
Bằng chứng này do Bộ Quốc phòng Nga thu thập, được gửi tới cho LHQ sau khi HĐBA nảy sinh tranh cãi gay gắt về loại tên lửa mà Triều Tiên phóng thử đầu tuần qua.
Tổng Thư ký LHQ nhất trí với đánh giá của Mỹ cho rằng tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên thực sự sở hữu tính năng kỹ thuật của loại tên lửa ICBM.
Một quan chức LHQ giải thích vào ngày 5/7: “Theo như các tham số, loại tên lửa này có tầm bắn khoảng 6.700 km nếu như được phóng theo một quỹ đạo phù hợp hơn, có thể biến nó thành ICBM theo như định nghĩa hay được sử dụng”.
Dựa vào lời tuyên bố của Triều Tiên và bản đánh giá của Mỹ, loại tên lửa Bình Nhưỡng phóng thử vừa rồi có nguy cơ gây ra một mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ và khu vực. Đại sứ Mỹ tại LHQ đã nhanh chóng thúc giục HĐBA LHQ họp mặt để đề ra phương án trừng phạt mới cho Triều Tiên. Tuy nhiên Lầu Năm Góc không thể đưa ra dữ liệu theo dõi của mình chứng minh đó là tên lửa ICBM.
Việc hiểu rõ loại tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 4/7 rất cần thiết đối với quá trình đối phó Triều Tiên. Không giống Mỹ - lúc nào cũng khẳng định không loại trừ biện pháp quân sự, Nga và Trung Quốc đề xuất một giải pháp hòa bình tránh các lệnh trừng phạt thêm lên Triều Tiên.