Theo Đài phát thanh Sputnik, với tầm bắn này, siêu pháo hạm Mỹ có khả năng tiêu diệt tàu Hải quân Trung Quốc một khi vũ khí này được trang bị tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Phát biểu trước báo giới ngày 24/1, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper lý giải những thử nghiệm của đơn vị với hệ thống vũ khí pháo binh được kéo dài tầm bắn (ERCA) - hệ thống có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công chiến lược hoặt chiến thuật hỗ trợ lực lượng trên mặt đất.
“Xét về mặt chiến thuật, chúng ta cần khả năng vượt trội hơn so với pháo của đối thủ. Tại sao chúng ta lại chế tạo giáo, vì kẻ thù có kiếm. Một chiếc giáo có tầm phóng xa hơn một thanh kiếm”, Bộ trưởng Esper so sánh sự vượt trội kỹ thuật tương tự như sự phát triển của gươm và giáo.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Esper dường như ám chỉ loại vũ khí mới này có thể được triển khai tại Biển Đông trong trường hợp căng thẳng liên quan đến vụ việc tàu Trung Quốc chặn tàu Mỹ đi qua khu vực leo thang.
“Bạn có thể tưởng tượng một kịch bản mà ở đó, Hải quân Mỹ cảm thấy không thể tiến vào Biển Đông chỉ vì tàu hải quân Trung Quốc. Chúng tôi có thể – từ một địa điểm cố định như một hòn đảo - nhắm vào mục tiêu ở khoảng cách xa, duy trì tính đối kháng và mở cửa cho các phương tiện hải quân tiếp cận".
Hệ thống ERCA, nằm trong kế hoạch phát triển công nghệ siêu thanh của Lục quân Mỹ, lần đầu tiên được giới chức nhắc đến vào tháng 10/2018.
Lục quân Mỹ đang xem xét việc điều chỉnh hệ thống pháo hiện tại cho một cuộc chiến tranh đối hạm. Trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018, lực lượng Lục quân đã phóng một loạt tên lửa từ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) nhằm vào một tàu đổ bộ USS Racine bỏ hoang trong một cuộc tập trận mô phỏng đánh chìm tàu địch.