Mỹ tiếp tục tìm cách gia hạn lệnh cấm vũ khí đối với Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/4 khẳng định Mỹ sẽ không cho phép Iran mua vũ khí thông thường sau khi lệnh cấm vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) đối với nước này hết hạn vào tháng 10 tới.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm của hải quân Iran tham gia huấn luyện tại Vịnh Oman, ngày 22/2/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra và sẽ thảo luận với Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để gia hạn lệnh cấm vũ khí thông thường đối với Iran. Trong trường hợp không thể vận động thêm nước khác hành động, Mỹ sẽ xem xét mọi phương án có thể thực hiện”.

Ngày 28/4 vừa qua, giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao tại LHQ cho biết Washington đã lưu hành một dự thảo nghị quyết của LHQ, theo đó sẽ kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran - một động thái gần như chắc chắn gặp phải sự phản đối từ hai nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA là Nga và Trung Quốc.

Theo nguồn tin giấu tên từ giới chức Mỹ, dự thảo nghị quyết hôm 28/4 mới chỉ được lưu hành ở một số nước thành viên HĐBA và đó là những nước sẽ bãi bỏ thời hạn lệnh cấm vận vũ khí theo nghị quyết của HĐBA.

Sau 5 năm áp đặt, lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA LHQ đối với Iran dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10/2020, thời điểm mà Tehran đang rất mong chờ.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố nước này sẽ khôi phục quyền tiếp cận vào thị trường vũ khí toàn cầu, sau khi HĐBA dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Ông Rouhani cho rằng khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ được dỡ bỏ vào năm 2020, Iran có thể dễ dàng mua bán vũ khí và đây là một trong những tác động quan trọng của Thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này ký với các cường quốc thế giới thuộc nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức).

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sắp tới không được đảm bảo, vì một loạt động thái gần đây của Mỹ và Iran đang đe dọa đến sự tồn vong của thỏa thuận này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, với lý do thỏa thuận có quá nhiều thiếu sót, tạo lợi thế cho Iran.

Mỹ và Iran đã bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh căng thẳng, một trong số đó đã leo thang thành bạo lực. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các hành động bạo lực của Iran thời gian qua đã là đủ để HĐBA gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này.

Ngọc Ánh (TTXVN)
Quốc gia làm cầu nối xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran
Quốc gia làm cầu nối xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran

Trong vài tuần qua diễn ra những biến động căng thẳng gần như đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực chiến tranh, Đại sứ quán Thụy Điển tại Tehran luôn đóng vai trò như một cầu nối trung gian, truyền đạt quan điểm thẳng thắn của hai quốc nhằm tránh gây leo thang xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN