Máy bay tiêm kích F-2 của Không quân Nhật Bản hộ tống 2 máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam vào không phận Nhật Bản và sau đó là Bán đảo Triều Tiên ngày 30/7.
|
“Việc trang bị thêm tên lửa mới sẽ nhằm mục đích kiềm chế Hải quân Trung Quốc – vốn đang tiến hành những hành động hống hách trên Biển Hoa Đông và những khu vực khác”, tờ Yomiuri Shimbun cho biết hôm 19/7.
Theo đài Sputnik, tên lửa XASM-3 vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng các nhà hoạch định quân sự Nhật Bản đã yêu cầu nguồn lực tài chính đáng kể để mua và chế tạo hàng trăm tên lửa này trong năm tài khóa 2018. Tờ Yomiuri Shimbun nói thêm rằng tên lửa chống hạm này sẽ là tên lửa siêu thanh đầu tiên do Nhật Bản chế tạo. Mỗi máy bay Mitsubishi F-2 sẽ được trang bị 2 tên lửa chống hạm mới.
Việc mua tên lửa này thể hiện nhu cầu của Nhật Bản tăng cường năng lực quân sự và khả năng trung hòa các mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc. Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã hoàn thành tàu sân bay được sản xuất trong nước đầu tiên hồi đầu năm nay.
Ngoài việc tăng cường hỏa lực cho các chiến đấu cơ F-2, Nhật Bản đang nhắm đến việc mua các tên lửa cho hạm đội chiến đấu cơ F-35 mà Tokyo đã đồng ý mua của Tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin. Theo chương trình Bán vũ khí nước ngoài, Washington sẽ bán 42 chiến đấu cơ F-35A cho Nhật Bản. Hồi tháng 6, các quan chức Tokyo đã công bố chiếc F-35A đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Mitsubishi Heavy Industries.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự không hài lòng về Bắc Kinh. Trên trang Twitter, ông Trump viết: “Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Những lãnh đạo trước đây của chúng tôi đã để họ kiếm được hàng trăm tỷ USD một năm trong thương mại. Họ còn không làm gì Triều Tiên, chỉ đàm phán. Chúng tôi sẽ không cho phép chuyện này tiếp diễn. Trung Quốc có thể giải quyết dễ dàng vấn đề này". Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay ông “hoàn toàn đồng tình” với bình luận về Trung Quốc của ông Trump.
Hai nhà lãnh đạo thế giới đã có cuộc nói chuyện kéo dài 50 phút hôm 30/7. Thủ tướng Nhật Bản Abe cho hay cuộc đàm thoại “sâu sắc” đã đưa ra một giải pháp để có “những bước đi cụ thể để làm hết sức mình trong việc đảm bảo sự an toàn của người dân”. Ông Abe nói thêm rằng ông “rất thất vọng” trước phản ứng của Bắc Kinh đối với vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.