Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản của các công ty này tại EU, cũng như loại bỏ các công ty này khỏi các thị trường tài chính EU và cấm các công ty này làm ăn với bất kỳ công ty nào trong EU.
Ngoài ra, 2 cá nhân cũng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt vốn bao gồm phong tỏa tài sản và cấm du lịch vì đã cung cấp nguyên liệu cho Libya, nơi chính quyền được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli đã bị lực lượng của chính quyền của Tướng Khalifa Haftar ở miền Đông tấn công.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.
Từ đầu năm nay, các lực lượng ủng hộ Tướng Haftar đã phong tỏa các khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ chính của Libya để đòi phân chia doanh thu công bằng. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện tia hy vọng về giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài khi các đại diện từ 2 phía gặp nhau đàm phán tại Maroc. Hội đồng Nhà nước của GNA ngày 20/9 tuyên bố sẵn sàng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp và xem xét lại quyền lực của cơ quan hành pháp.
Trước đó, hôm 10/9, các đại diện của hai chính quyền đối địch ở Libya gồm GNA và nghị viện ở miền Đông Libya đã nhất trí một số tiêu chí quan trọng liên quan tiến trình đàm phán và việc bổ nhiệm các vị trí trong các cơ quan quan trọng của đất nước.