Binh lính Ukraine bắn đạn 155mm bằng pháo tự hành 2S22 Bohdana tại tỉnh Donetsk. Ảnh tư liệu: Global Images Ukraine/Getty Images
Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), cuộc xung đột ở Ukraine đã viết nên một chương mới trong lịch sử chiến tranh hiện đại, nhờ vào việc sản xuất hàng loạt và sử dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái. Đây là một cuộc cách mạng không thể chối cãi, đầy ấn tượng - nhưng như cả thực tế chiến tuyến lẫn ngành công nghiệp quốc phòng đều khẳng định: không có cuộc chiến nào được giành chiến thắng chỉ bằng những thiết bị bay không người lái. Tuyến đầu vẫn đang được giữ vững bởi các loại vũ khí truyền thống. Trong số đó, pháo tự hành 2S22 Bohdana đang dần chiếm vị thế quan trọng, dù mang một cái tên kỹ thuật che giấu một thành phần then chốt trong quá trình chuyển mình của ngành công nghiệp vũ khí quốc gia.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, loại pháo này — do một công ty ở Kramatorsk chế tạo - mới chỉ hoàn tất một vài đợt thử nghiệm. Khi đó, người ta thậm chí còn lo sợ rằng mẫu pháo 2S22 Bohdana có thể rơi vào tay quân đội Nga. Nhưng ba năm sau, việc sản xuất loại vũ khí này đã vượt mặt các đồng minh châu Âu lớn của Kiev - một bước tiến khổng lồ trên con đường giành quyền tự chủ cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Theo số liệu chính phủ, ngành này hiện đã đáp ứng được 1/3 nhu cầu của quân đội - phần lớn nhờ nguồn kinh phí từ nước ngoài.
Loại pháo như 2S22 Bohdana được đánh giá rất cao: đây là pháo tự hành, gắn trên khung gầm bánh lốp, sử dụng đạn cỡ 155mm - tiêu chuẩn NATO - nên được sử dụng phổ biến trong thực địa nhờ vào sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Ukraine cũng đã đẩy mạnh sản xuất đạn pháo cỡ này. Pháo Bohdana có tầm bắn lên tới 42 km. Trong thực tế, đây là loại vũ khí được sử dụng với tần suất cao nhờ tính cơ động và sức công phá mạnh. Chiến thắng lớn đầu tiên của nó là vào mùa hè năm 2022, trong chiến dịch tái chiếm Đảo Rắn ở Biển Đen, phối hợp với pháo Caesar do Pháp sản xuất.
Tuy nhiên, sau cột mốc đó, tầm ảnh hưởng của 2S22 Bohdana chỉ dừng ở mức hạn chế. Trong bối cảnh bị Nga dồn ép trên các mặt trận, Ukraine vẫn cố gắng tăng công suất sản xuất tại nhà máy KZVV (Nhà máy Chế tạo Máy hạng nặng Kramatorsk), nơi sản xuất 2S22 Bohdana, nhưng vẫn phải trông cậy nhiều vào pháo của các đồng minh.
Nhà phân tích quân sự Patrick Hinton thuộc Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) ước tính rằng vào tháng 7/2023, Ukraine khi đó sử dụng tới 14 mẫu pháo khác nhau trong đội hình - trong khi ở quân đội của bất kỳ quốc gia nào, con số này thường chỉ là 2 hoặc 3. Ukraine khi đó vẫn thiếu nguồn tài chính để mở rộng sản xuất pháo Bohdana nhanh chóng, đồng thời vũ khí này còn gặp một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến khung gầm chịu tải cho nòng pháo.
Igor Fedirko, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (UCDI), đưa ra lý do cho sự gia tăng sản xuất: “Chúng tôi cần chúng cho cuộc chiến”.
Những con số đã nói lên tất cả. Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo rằng công suất sản xuất pháo Bohdana đã đạt 20 khẩu mỗi tháng. Sáu tháng sau, ngành công nghiệp này ước tính con số đã tăng lên khoảng 40 khẩu mỗi tháng — một cột mốc đáng kể, vì nó tương đương với năng lực sản xuất của Nga - theo một báo cáo công bố vào tháng 9/2024 bởi Viện Kiel.
Báo cáo cũng cho thấy Pháp hiện chỉ sản xuất khoảng 8 khẩu lựu pháo mỗi tháng, còn Đức là 5 - 6 khẩu.
“Chúng tôi sản xuất nhiều lựu pháo hơn toàn bộ châu Âu cộng lại”, ông Fedirko khẳng định, dựa trên sự tiếp cận chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và nhu cầu thực tế từ chiến trường.
Lựu pháo Bohdana do Ukraine sản xuất nội địa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Sự phát triển vượt bậc của hoạt động sản xuất pháo Bohdana tượng trưng cho bước chuyển mình triệt để của ngành công nghiệp vũ khí Ukraine — vốn trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào tập đoàn nhà nước Ukroboronprom. Sự kết hợp giữa vốn đầu tư công, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và, quan trọng nhất, là hỗ trợ quốc tế đã giúp ngành này tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu của chính phủ, năng lực sản xuất quốc phòng đã tăng gấp 35 lần trong vòng 3 năm và sẽ đạt quy mô 35 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Fedirko - từng là cố vấn cho Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine - đã chỉ ra một yếu tố then chốt khác đằng sau sự phát triển của pháo “made in Ukraine”, đó là “mô hình Đan Mạch.” Do thiếu hụt vũ khí để viện trợ trực tiếp, chính phủ Đan Mạch vào tháng 7 năm ngoái đã đề xuất chuyển sang hình thức hỗ trợ tài chính, để các doanh nghiệp quốc phòng Ukraine có thể sản xuất vũ khí ngay trong nước. Một phần của khoản tài trợ này — trị giá 538 triệu euro (588 triệu USD) chỉ riêng trong năm ngoái - đã được dùng cho việc chế tạo pháo Bohdana.
Quy trình của sáng kiến này như sau: chính phủ Ukraine gửi danh sách các dự án quân sự cần tài trợ, các chuyên gia Đan Mạch sẽ đánh giá tính khả thi và năng lực thực hiện của các công ty Ukraine. Copenhagen cũng đã mở rộng mô hình tài trợ này cho các đối tác khác. Thông qua kênh này, nguồn tiền đã chảy vào Ukraine từ Thụy Điển, Iceland và cả EU — thông qua nguồn lãi phát sinh từ tài sản Nga bị phong tỏa.
Na Uy và Canada cũng đã cam kết đầu tư vào sáng kiến này.
“Tôi thực sự kinh ngạc trước tốc độ mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể hoàn thiện sản phẩm”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund phát biểu hồi tháng 1 năm nay. Mô hình này đang phát huy hiệu quả, nên vào ngày 3/1, Đan Mạch tiếp tục công bố gói viện trợ gần 900 triệu euro (985 triệu USD) cho giai đoạn 2025–2027.
“Ukraine đã tăng trưởng vượt bậc về sản xuất quốc phòng trong ba năm qua”, theo ông Mykola Bielieskov, nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kyiv, “đặc biệt là ở các dòng thiết bị bay không người lái (trinh sát và tấn công), pháo tự hành, tên lửa hành trình, súng cối và xe thiết giáp chở quân”.
Chuyên gia Bielieskov cho rằng dòng vốn quốc tế đổ vào sản xuất nội địa cũng mang lại lợi thế lớn: “chi phí sản xuất thấp hơn nhờ giá nhân công rẻ” và “tốc độ sản xuất nhanh hơn” do đáp ứng trực tiếp nhu cầu từ chiến tuyến — nơi từng mẫu vũ khí và cải tiến mới đều được kiểm nghiệm thực tế.
Sự phát triển của ngành công nghiệp này — trong bối cảnh chiến sự ác liệt — thực sự là điều phi thường. Tuy vậy, sự phụ thuộc vào các đối tác quốc tế vẫn rất lớn, cả về vũ khí hạng nặng (như hệ thống phòng không) lẫn linh kiện (vi điện tử, chất nổ, nhiên liệu tên lửa).
Nguy cơ suy giảm nguồn tài trợ hoặc thiếu hụt lao động kỹ thuật trong dài hạn cũng là vấn đề được ông Bielieskov cảnh báo. Công thức phát triển hiện nay là rõ ràng ưu tiên chiến tuyến. Nhưng không thể bỏ qua tiềm năng dài hạn của ngành công nghiệp này trên thị trường quốc tế.
“Tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine là vô cùng to lớn và đã sẵn sàng để xuất khẩu”, ông Fedirko nhận định. Theo ông, các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Ukraine và nước ngoài đang được xúc tiến. Thực tế, điều này đã bắt đầu diễn ra: Tập đoàn Rheinmetall của Đức, tập đoàn liên doanh Pháp–Đức KNDS (cùng sản xuất đạn dược) và công ty AeroVironment của Mỹ (chuyên chế tạo thiết bị bay không người lái mang bom) đều đã triển khai hoạt động tại Ukraine.