Bangladesh mua tàu ngầm Trung Quốc để làm gì?

Hợp đồng Bangladesh mua hai tàu ngầm Trung Quốc loại 035G với giá 203 triệu USD gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng trong khu vực, đặc biệt ở Ấn Độ.

Các chuyên gia không hiểu Bangladesh thông qua quyết định mua tàu ngầm Trung Quốc để làm gì.

Bangladesh chưa bao giờ sở hữu tàu ngầm và lý do một đất nước được bao quanh bởi lãnh thổ của Ấn Độ và chỉ có một đoạn biên giới ngắn với Myanmar lại muốn sở hữu các tàu ngầm vẫn còn là một điều cần bàn bạc.

Theo ý kiến của một số nhà quan sát Ấn Độ, hợp đồng cung cấp tàu ngầm Trung Quốc cho Bangladesh là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm "bao vây" Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói lên quan điểm khác về nội dung này.

Cần phải lưu ý rằng, tàu ngầm loại 035G là loại tàu lỗi thời thậm chí sau khi được hiện đại hóa tại các xưởng đóng tàu của Trung Quốc trước khi bán ra cho Bangladesh. Trên thực tế, các tàu ngầm loại 035G là phiên bản của tàu ngầm cũ loại 033 được nâng cấp đáng kể.

Nếu nói về tàu ngầm loại 033 thì đây là phiên bản được cấp phép của tàu ngầm Liên Xô lớp 633 được sản xuất ở Liên Xô vào những năm 1950. Những tàu ngầm đầu tiên loại 035 đã được xây dựng vào những năm 1970 và được coi là không thành công lắm.

Trong những năm 1990-1999, các chuyên gia đã đưa những sửa đổi vào bản thiết kế tàu ngầm loại 035G: đã làm giảm tiếng ồn của tàu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác của thủy thủ đoàn. Tàu ngầm cũng được trang bị ngư lôi và hệ thống sonar mới.

Hệ thống sonar trên tàu được sao chép từ hệ thống sonar DUUX-5, mà Pháp đã cung cấp cho Trung Quốc vào những năm 1980. Hải quân Trung Quốc đã tích cực sử dụng tàu ngầm loại 035G trong các hoạt động huấn luyện chiến đấu vào những năm 1990-2000. Đôi khi các tàu ngầm đó đã thực hiện những cuộc hành quân khá nguy hiểm gần vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Đồng thời, nếu so sánh với các loại sản phẩm quân sự của Nga và các nước phương Tây, thì tàu ngầm 035G đã lỗi thời. Đây là lý do tại sao Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm Nga dự án 877 và 636 được gọi là "Kilo". Tất nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc có ý định cung cấp cho Pakistan 8 chiếc tàu ngầm hiện đại S20, thì hai chiếc 035G được cung cấp cho Hải quân Bangladesh không thể gây ra một vấn đề lớn cho kẻ thù tiềm năng.

Ngoài ra, Bangladesh chưa có kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm, vì thế hải quân hiện đại hơn của quốc gia khác như hải quân Ấn Độ, có thể dễ dàng vô hiệu hóa các tàu ngầm cũ 035G. Hải quân Ấn Độ chủ trương mua sắm thiết bị chống tàu ngầm hiện đại, trong đó có máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ và phiên bản IL-38SD nâng cấp của Nga.

Như vậy, phía Ấn Độ bất mãn không phải với việc cung cấp các chiếc tàu ngầm này cho Bangladesh mà trước hết với quá trình tái vũ trang của Bangladesh dựa vào các loại vũ khí của Trung Quốc. Ngoài các tàu ngầm, nước này cũng mua tàu hộ tống loại 056, dự định mua tàu khu trục, còn có nhiều hợp đồng được ký kết vào những năm gần đây về việc cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội và không quân Bangladesh.

Theo báo chí Ấn Độ, nếu Bangladesh ký hợp đồng mua các loại vũ khí thậm chí với khối lượng lớn hơn từ một nhà cung cấp ngoài khu vực như Nga hay châu Âu, điều đó sẽ không gây ra phản ứng tiêu cực như vậy từ phía Ấn Độ.

Các chuyên gia cũng không hiểu việc Bangladesh thông qua quyết định mua tàu ngầm. Nếu tàu ngầm được bán với giá rẻ, thì chi phí bảo dưỡng là rất đáng kể. Tất nhiên, Bangladesh có mối quan hệ khá phức tạp với nước láng giềng thứ hai là Myanmar.

Cuộc xung đột dân tộc liên quan đến dân số Hồi giáo của Myanmar và dòng người tị nạn ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Ngoài ra, trước đây, Bangladesh và Myanmar đã có tranh chấp lãnh thổ trên biển và chỉ mới gần đây đã được giải quyết.

Có lẽ, khi thông qua quyết định mua các tàu ngầm, Bangladesh trước hết muốn củng cố vị thế và uy tín của mình. Những năm gần đây, các nước ASEAN rất tích cực mua tàu ngầm. Myanmar cũng đã xem xét khả năng mua tàu ngầm nhưng đã từ bỏ kế hoạch này vì thiếu tiền.

Còn một số thành viên khác của ASEAN đang thành lập hạm đội tàu ngầm hoặc Thái Lan có kế hoạch sớm thành lập hạm đội này. Trong bối cảnh đó, một giả thuyết được đưa ra là có lẽ Bangladesh cũng đang cố gắng theo kịp các nước trong khu vực.

Theo Sputnik
Nhiều nước đau đầu vì vũ khí Trung Quốc
Nhiều nước đau đầu vì vũ khí Trung Quốc

Chọn Trung Quốc làm đối tác cung cấp vũ khí, nhiều nước cuối cùng lâm vào cảnh lắc đầu ngao ngán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN