Theo các bài viết đăng tải trên tờ “Bild Am Sontag”, trước khi hạ cánh xuống sân bay Dyce, Schmitt đã ít nhất một lần bay sang Anh trong một dịp trước đó.
Chiếc Ju 88 được đưa vào hầm chứa máy bay theo yêu cầu của nhà khoa học R.V. Jones. |
Viên phi công này được chọn để giao một gói đồ cho một đại diện của Bộ chỉ huy Tối cao Anh năm 1941. Khi chiếc Dornier Do 217 (loại máy bay ném bom của không quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai) do Schmitt điều khiển đáp xuống Lincoln (Anh) trong đêm 20 - 21/5, thì hệ thống đèn tín hiệu trên đường băng được bật lên để dẫn đường cho Schmitt. Schmitt được cho là đã giao gói đồ này cho một viên sĩ quan Anh đợi sẵn ở sân bay rồi lập tức cất cánh quay trở về Đức.
Cũng có giả thiết đặt ra là việc chiếc Ju 88 hạ cánh thành công xuống sân bay Dyce đã được thông báo cho cha của Schmitt thông qua đài phát thanh tuyên truyền “Gustav Seigfried Eins” của Anh. Thông điệp được phát đi là “Tháng 5 đã đến”, ám chỉ một mật mã đã được thống nhất từ trước.
Để tăng thêm độ tin cậy của giả thiết rằng Schmitt làm việc cho người Anh, Helmut Fiedler, một cựu nhân viên mặt đất của Ju 88, lưu ý rằng việc một phi hành đoàn phục vụ lâu năm với những thành viên Schmitt, Rosenberger và Kantwill chưa bao giờ thực hiện bất cứ đòn đánh chặn máy bay Anh nào cũng như chưa bao giờ bắn bất cứ máy bay đồng minh nào là điều gần như bất bình thường.
Ju 88 sau khi được sơn lại và gỡ bỏ giàn ăngten phía trước. |
Việc Ju 88 hạ cánh xuống sân bay Dyce chắc chắn là một chủ đề gây xôn xao dư luận. Ngay sau khi chiếc máy bay chiến đấu đa năng của Đức chạm bánh xuống đường băng thì thông tin sửng sốt này đã được lan truyền chóng vánh, dù qua điện thoại hay thư từ.
Một thành viên thuộc Lực lượng Nữ Không quân Trợ chiến Anh (WAAF) có tên Ethel, người làm việc tại bộ phận vận chuyển ở sân bay, viết: “Một máy bay Jerry (Đức) đã hạ cánh xuống đêm hôm trước và đầu hàng. Công việc của tôi là lái xe chở các tù binh đến phòng giam”. Một thành viên WAAF khác có tên Isabel làm việc tại sân bay Dyce viết: “Còi tầm ở doanh trại vang lên và chúng tôi được thông báo rằng một máy bay địch đang tiến về doanh trại… thật ngạc nhiên, chúng tôi thấy hai máy bay chiến đấu trở về, áp giải một chiếc máy bay khác đang bắn pháo sáng… Chiếc máy bay này bay ngay trên chúng tôi và chúng tôi nhìn thấy các hình chữ thập đen trên thân máy bay. Một điều bất ngờ nữa là nó hạ bánh xuống để hạ cánh. Sau đó loa phóng thanh thông báo các khẩu đội Ack-Ack không bắn chiếc máy bay đang đến”.
Đối với nữ binh sĩ không quân cấp cao K.H. Paterson, người cũng làm việc tại sân bay Dyce, thì sự kiện này có hơi hướng của một cuộc đào tẩu đã được lên kế hoạch, vì “hai chiếc Spitfire không bắn phát đạn nào và động cơ máy bay Ju 88 thì không hề hỏng hóc”.
Những bức thư nói trên nằm trong số 2.578 bức thư do một đội kiểm duyệt thư tín kiểm tra. Nhóm này được gấp rút lập ra để ngăn chặn tin tức về chiếc Ju 88 đáp xuống sân bay Dyce bị rò rỉ ra bên ngoài. Trong số những thông tin bị chặn, và tất nhiên không bao giờ đến được địa chỉ cần đến, hơn 400 thông tin báo rằng đã mục kích sở thị việc hạ cánh.
Theo nhà khoa học R.V. Jones, người đứng đầu chương trình chống rađa của Anh, phi hành đoàn Đức đã nói “họ không còn chút cảm tình nào với Đức quốc xã và khi họ nhận lệnh bắn hạ chiếc máy bay dân sự của chúng tôi đang bay trong hành trình Xcốtlen - Xtốckhôm, thì đó là lúc để họ thoát khỏi cuộc chiến. Vì vậy trong một chuyến xuất kích thông thường, họ phát tín hiệu động cơ bị trục trặc và đang mất độ cao. Trên thực tế, họ bổ nhào xuống bay sát mực nước biển để tránh rađa của Đức rồi sau đó bay đến Aberdeen. Họ bị rađa của chúng tôi phát hiện và bị hai chiếc Spitfire thuộc một phi đội Canađa chặn lại. Phi đội này đã nhận ra rằng những người Đức đối diện không có ý định tấn công và rồi mạo hiểm áp giải họ bay qua Aberdeen về sân bay Dyce”.
Schmitt sau đó xác nhận điều này với tuyên bố: “Tôi đã chán ngấy những cảnh tượng diễn ra trước mắt mình. Sự áp bức, những người phải bỏ mạng trên chiến trường, vị hôn thê người Do Thái của tôi bị sát hại. Đất nước này đang chìm trong bể máu. Như vậy là quá đủ”. Do đó, Schmitt và Rosenberger đã quyết định đào tẩu sang Anh. Thành viên thứ ba trong phi hành đoàn, Trung đội trưởng Erich Kantwill, không muốn phản chủ nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác khi Rosenberger gí súng vào đầu anh ta trong chuyến bay đến Xcốtlen.
Sau khi Ju 88 đáp xuống sân bay Dyce, ông Jones ngay lập tức lo ngại rằng kẻ địch có thể phát hiện chiếc máy bay này đã hạ cánh an toàn. Ông ra lệnh giấu Ju 88 trong một hầm chứa máy bay nằm ngoài tầm quan sát của máy bay do thám Đức. Sau đó, ông quyết định thực hiện một bài giảng cho mọi người trong căn cứ về tầm quan trọng của rađa để tránh những lời bàn tán công khai về chiến đấu cơ này. Mặc dù đây là quyết định liều lĩnh song rõ ràng nó đã có tác dụng và bí mật vẫn được giữ kín ở một mức nhất định.
Việc thu được hệ thống rađa Lichtenstein có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chiếc Ju 88 nhanh chóng được sơn lại bằng các tông màu của RAF và Cơ quan Nghiên cứu Viễn thông Anh (TRE), do ông Jones đứng đầu, đã tiến hành các chuyến bay thử với hệ thống rađa mới này. Các chuyến bay thử nghiệm đã chỉ ra tính hiệu quả của bộ rađa này cũng như làm rõ những khuyết điểm của nó. Ví dụ, một báo cáo sau đó của TRE về rađa Lichtenstein khẳng định “chiến đấu cơ chỉ có thể đánh chặn một cách nhanh chóng và hiệu quả nếu được điều khiển ở một góc chếch trong khoảng 30 độ so với mục tiêu”.
Đào Lâm
Đón đọc kỳ cuối: Những bí mật lớn cuối cùng