Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức

Mùa hè năm 1943, một sự kiện hy hữu đã xảy ra khi một chiến đấu cơ đa năng của Đức đáp xuống một sân bay Anh vào giữa lúc cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trước đó, các trạm radio của Đức đã nhận được tín hiệu khẩn cấp từ một chiếc Junkers Ju 88 đang làm nhiệm vụ tuần tra từ Đan Mạch. Trạm điều hành vô tuyến trên khoang máy bay thông báo một trong số các động cơ đang bị cháy và Ju 88 chuẩn bị lao xuống Biển Bắc. Sự kiện có vẻ như bất thường này là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm sau đó vì trên thực tế, chiếc máy bay của Đức không hề bị rơi mà lại hạ cánh an toàn và nguyên vẹn trên đất Anh.

 

Kỳ 1: Các giả thiết


Chiều chủ nhật ngày 9/5/1943, hai chiếc Spitfire thuộc Tiểu đội Blue, Phi đội 165 đã xuất kích từ sân bay Dyce của Anh để đánh chặn một chiếc Junkers Ju 88 sau khi nó được phát hiện đang đơn thương độc mã bay qua Biển Bắc. Ngay sau khi xâm nhập vào đất liền ở vị trí cách Aberdeen (Xcốtlen) khoảng 21 km về phía tây bắc, chiến đấu cơ Đức chạm trán hai chiếc Spitfire Vb trong điều kiện tầm nhìn tốt, một mang số hiệu BN515 do phi công Mỹ, Trung úy A.F. Roscoe DFC (Blue 1) điều khiển, và một chiếc AB921 do Trung sĩ Canađa B.R. Scamen (Blue 2) lái. Không một tiếng súng nào vang lên và kế đến hai máy bay của Anh “áp giải” chiếc Ju 88 về sân bay Dyce một cách bình yên vô sự vào lúc 18 giờ 20 phút.


 

Chiếc Junkers Ju 88 R1 chụp tại sân bay Dyce của Anh ngay sau khi hạ cánh ngày 9/5/1943.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao hai máy bay chiến đấu Spitfire không tấn công kẻ xâm nhập? Vì lý do gì mà chiếc Ju 88 của đối phương dường như tình nguyện hạ cánh xuống một sân bay của Không quân Anh? Phải chăng phi hành đoàn đã mất tích hoặc ba người Đức trên máy bay là những kẻ đào tẩu? Hay như một số người đoán già đoán non là toàn bộ hồi đoạn này thực chất là một chiến dịch tối mật được người Anh lên kế hoạch kỹ lưỡng và cẩn thận.


Thuộc phi đội tác chiến trong đêm NJG.3 và mang mật danh D5+EV, chiếc Junkers Ju 88 R1 cất cánh từ Aalborg ở Đan Mạch lúc 15 giờ 03 phút. Sau đúng một tiếng, nó hạ cánh xuống Kristiansand ở Na Uy để tiếp liệu và lại cất cánh lúc 16 giờ 50 phút để thực thi một nhiệm vụ trên eo biển Skagerrak (giữa bờ biển phía nam Na Uy, bờ biển phía nam Thụy Điển và bán đảo Jutland của Đan Mạch).


Tuy nhiên, sau khi trạm điều hành không dây trên máy bay này phát tín hiệu thông báo động cơ bị trục trặc, người ta đã không nhận được thêm bất cứ thông tin gì từ phi hành đoàn trên Junkers Ju 88 R1 nữa. Không quân Đức (Luftwaffe) đặt giả thiết chiếc máy bay đã bị mất tích trên biển.


 

Trung úy Arther Roscoe DFC.

Nhật ký ngày hôm đó của Phi đội 165 ghi lại: “Ngày hôm nay, Trung úy Arthur Roscoe và Trung sĩ Ben Scamen đã xuất kích để điều tra về một máy bay đột kích ở phía đông Peterhead (Xcốtlen). Máy bay này đã chuyển hướng về phía nam và sau đó bắt đầu chao liệng như thể bị mất tích. Tiểu đội Blue xác định đó là một chiếc Ju 88, và khi Arthur tiếp cận thì chiến đấu cơ này hạ càng, bắn pháo sáng tín hiệu và cụp mở cánh. Blue 1 cũng cụp mở cánh máy bay và bay ra phía trước máy bay địch, trong khi đó Trung sĩ Ben Scamen bay ở bên trên chếch về phía sau. Đội hình này cứ như thế bay về sân bay Dyce và hạ cánh an toàn, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.


Trung úy A.F. Roscoe sau đó viết: “Tôi điều khiển chiếc Blue 1 xuất kích để đánh chặn một cuộc đột kích ‘X’ được thông báo cách Peterhead 24 km về phía đông và đang bay về phía tây. Chúng tôi đã chuyển hướng 30 độ và bay với vận tốc rất lớn để có thể kịp thời đánh chặn trước khi máy bay đối phương tiếp cận bờ biển... Sau đó tôi phát hiện máy bay địch trong đất liền khoảng 1,6 km ở độ cao từ 90 - 120 mét. Tôi tiếp cận chiếc máy bay này từ mé phải và nhận thấy nó hạ bánh xuống rồi bắn một số pháo sáng tín hiệu. Tôi xác định đó là một chiếc Ju 88. Máy bay này cụp mở cánh và tôi cũng cụp mở cánh để đáp lại. Tôi cho là nó muốn được dẫn đến một sân bay. Tôi bay lên phía trước khoảng 365 mét và bảo Blue 2 bay bên trên chếch về phía sau ở một bên mé của chiếc Ju 88. Máy bay này sau đó co bánh lên và bay theo chúng tôi về sân bay Dyce”.


Khi đến sân bay, chiếc Ju 88 hạ bánh xuống và bắn thêm pháo sáng tín hiệu trước khi hạ cánh. Chắc chắn đây không giống như một sự kiện được sắp đặt từ trước dù Ju 88 được trang bị hệ thống rađa mới FuG 202 Lichtenstein B/C của Luftwaffe. Không quân Anh đã thua các chiến đấu cơ tác chiến trong đêm ở khu vực châu Âu bị Đức quốc xã chiếm đóng và quân Đức đang có những bước tiến không thể chấp nhận, và thành công của người Đức phần lớn là nhờ sự hiệu quả của hệ thống rađa này.


Giờ đây việc có trong tay một trong những bộ rađa Lichtenstein nguyên vẹn là một phần thưởng đáng hân hoan dành cho Cơ quan Nghiên cứu Viễn thông ở Malvern (Anh), và việc ba người Đức đó quyết định đào tẩu cùng một món quá giá trị trong một thời điểm quan trọng như vậy dường như là một điều gì đó thực sự đáng chú ý hơn chỉ là một vận may đơn thuần.


Năm 1974, tờ “Bild Am Sontag” của Đức đã mở cuộc điều tra đối với sự kiện này. Tờ báo cho rằng phi công Heinrich Schmitt lái chiếc Ju 88 thực chất là đặc vụ của Anh từ năm 1940. Schmitt đã thường xuyên cung cấp thông tin mật cho người Anh theo cái cách mà cha anh này làm, đó là truyền phát thông tin từ nhà riêng ở bang Thuringen (Đức) thông qua các trạm vô tuyến chuyển tiếp ở Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.


Huy Lê

Đón đọc kỳ tới: Kế hoạch đào tẩu

Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức: Những bí mật lớn cuối cùng
Thông điệp bí ẩn trong cuộc không chiến Anh - Đức: Những bí mật lớn cuối cùng

Công tác đánh giá hệ thống radar thu được của người Đức cũng mở đường cho việc cải tiến “Window”, hệ thống chống radar được phát triển trước đó rất lâu nhưng không được đưa vào phục vụ trong cuộc chiến trên không...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN