Vào lúc 1h20 chiều ngày 2/1/1935, một người đàn ông check in một mình vào khách sạn President nằm ở trung tâm thành phố Kansas City (bang Missouri, Mỹ).
Anh ta không mang theo hành lý nào ngoại trừ một chiếc lược và bàn chải đánh răng. Vị khách yêu cầu một căn phòng nằm ở phía sâu trên tầng cao của khách sạn. Anh ghi danh dưới cái tên Roland T. Owen và phàn nàn với nhân viên hành lý về mức giá trên trời của một khách sạn lân cận. Sau khi check in và nhận phòng 1046 trên tầng 10, anh đã rời khỏi khách sạn, và chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện.
Mặc dù nhân viên khách sạn để ý thấy hành vi kỳ quái của người đàn ông, họ không bận tâm nhiều đến anh ta. Dù sao thì khách sạn này cũng là nơi thường trú của các doanh nhân ngoại thành có mong muốn tận hưởng những “cuộc vui” vào ban đêm, và nhân viên khách sạn tốt nhất không nên dính dáng vào mấy vụ này.
Và sẽ không ai suy nghĩ thêm về vị khách này cho tới sáu ngày sau, khi phòng khách sạn của người đàn ông trở thành một biển máu. Khi các nhân viên mô tả cho cảnh sát về cảnh tượng thảm khốc đó, những câu hỏi về hành tung của người đàn ông trước khi chết đã nảy sinh và làm rõ sự kỳ lạ của anh ta.
Hành tung bí ẩn của Roland T. Owen
Vào ngày 3/1, một ngày sau khi Owen nhận phòng khách sạn, nhân viên buồng phòng Mary Soptic đã ghé qua để dọn phòng anh. Khi đó là giữa trưa, và hầu hết người lưu trú tại khách sạn đã ra ngoài. Tuy nhiên, khi đến phòng Owen, Soptic phát hiện cửa bị khóa từ bên trong.
Soptic gõ cửa, Owen mở cửa cho cô vào. Soptic nhìn thấy căn phòng gần như chìm trong bóng tối, rèm kéo kín bưng. Ánh sáng duy nhất của cả căn phòng đến từ một chiếc đèn bàn mờ mịt.
Trong khi Soptic dọn dẹp, Owen đề cập rằng anh có một người bạn sắp đến thăm và yêu cầu cô đừng khóa cửa. Soptic đồng ý, và Owen rời khỏi phòng.
Bốn tiếng sau, Soptic mang khăn tắm mới đến phòng 1046. Cô thấy cửa vẫn không khóa kể từ lúc cô dọn phòng trưa hôm đó, và khi bước vào thì cô thấy Owen đang nằm trên chiếc giường được dọn sẵn, có vẻ như đang ngủ. Một mẩu giấy trên chiếc bàn đầu giường anh ta viết: “Don, tôi sẽ quay lại sau 15 phút nữa. Hãy chờ."
Sáng hôm sau, ngày 4/1, những tương tác kỳ lạ của Soptic với phòng 1046 lại tiếp tục.
Khoảng 10h30 sáng, cô ghé qua để dọn phòng và thấy cửa phòng Owen bị khóa từ bên ngoài. Đoán rằng Owen không có ở trong, cô mở cửa bằng chìa khóa tổng của mình. Ngạc nhiên thay, Owen vẫn đang ngồi trong góc căn phòng tối tăm. Trong khi Soptic dọn dẹp, chuông điện thoại reo và Owen nhấc máy.
Owen nói: “Không, Don, tôi không muốn ăn. Tôi không đói, tôi vừa mới ăn sáng.”. Rồi anh ta lặp lại: “Không, tôi không đói.”
Sau khi cúp máy, Owen bắt đầu hỏi han Soptic về công việc của cô, đây là lần đầu tiên anh thực sự nói chuyện với cô. Anh ta hỏi cô phụ trách bao nhiêu phòng, loại người nào thường đến khách sạn President, và lại phàn nàn về giá cả của khách sạn lân cận.
Soptic mau mắn trả lời, hoàn tất công việc dọn dẹp và để Owen một mình trong phòng 1046. Chỉ sau khi rời đi, cô mới nhận ra rằng vì cửa bị khóa từ bên ngoài, nên chắc chắn ai đó đã nhốt Owen trong phòng của anh.
Cuối ngày hôm đó, Soptic tiếp tục mang khăn tắm mới đến căn phòng. Tuy nhiên, khi gõ cửa, cô nghe thấy đến hai giọng nói trong phòng chứ không chỉ có Owen. Khi Soptic thông báo rằng cô mang khăn tắm mới đến, một giọng nói lớn và trầm bảo cô hãy rời đi vì họ vẫn còn đủ khăn.
Mặc dù biết rằng sáng hôm đó cô đã dọn hết khăn tắm trong phòng, nhưng Soptic vẫn để mặc hai người đàn ông, vì không muốn xen vào một cuộc trò chuyện rõ ràng là nhạy cảm và riêng tư.
Vào buổi chiều cùng ngày, khách sạn President đón nhận thêm hai vị khách với vai trò lớn trong bí ẩn về Roland T. Owen.
Vị khách đầu tiên là Jean Owen (người này không có liên hệ với Roland T. Owen). Ngày hôm đó, cô đến thành phố Kansas City để gặp người yêu và quyết định nghỉ qua đêm trong khách sạn thay vì lái xe về nhà luôn. Jean Owen nhận phòng 1048, ngay cạnh phòng Roland.
Đêm hôm đó, theo báo cáo với cảnh sát, Jean Owen đã nghe thấy những tiếng cãi vã không ngớt.
Cô kể lại rằng: “Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng ồn có vẻ như trên cùng một tầng, chủ yếu là tiếng cả đàn ông lẫn phụ nữ chửi bới ầm ĩ. Khi tiếng ồn vẫn tiếp tục, tôi đã định gọi cho nhân viên lễ tân nhưng lại thôi.”
Vị khách còn lại không hẳn là… một vị khách. Người lễ tân trực đêm hôm đó mô tả cô ta là một “phụ nữ thương mại” (phụ nữ bán dâm), thường xuyên lui tới phòng của các khách nam vào đêm khuya.
Tối 4/1, cô vào khách sạn tìm một người đàn ông ở phòng 1026. Nhưng người phụ nữ có vẻ như đã không tìm được người cô cần tìm, dù anh ta là một vị khách “rất nhanh chóng”. Sau hơn một giờ tìm kiếm trên nhiều tầng, cô bỏ cuộc và đi về nhà.
Những báo cáo của cả hai người phụ nữ càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn về số phận của người đàn ông trong phòng 1046.
Bất ổn từ chiếc điện thoại ngắt máy
Sáng hôm sau, nhân viên trực điện thoại nhận được một cuộc gọi từ tổng đài của khách sạn. Theo thông báo, điện thoại bàn trong phòng 1046 đã bị tắt liên lạc suốt 10 phút mà không có ai sử dụng. Người nhân viên đến kiểm tra phòng Owen và nhận thấy phòng đã bị khóa, cùng tấm biển "không làm phiền" treo trên tay nắm cửa.
Anh gõ cửa và Owen bảo anh vào đi; tuy nhiên, sau khi nói với Owen rằng phòng vẫn đang khóa, anh không nhận được thêm phản hồi nào. Cho rằng có lẽ Owen say rượu và đánh rơi điện thoại, người nhân viên chỉ hét lên yêu cầu anh ta cúp điện thoại.
Tuy nhiên, một tiếng rưỡi sau, tổng đài lại gọi cho người nhân viên. Điện thoại ở phòng 1046 vẫn mất liên lạc và chưa hề cúp máy. Lần này, nhân viên trực tầng tự dùng chìa khóa tổng để vào phòng Owen.
Khi đó Owen đang nằm trên giường, khỏa thân và có vẻ say rượu. Không muốn dây dưa với anh ta, người nhân viên chỉ chỉnh lại nguồn điện thoại và khóa cửa phòng, sau đó báo cáo cho quản lý về hành vi của Owen.
Bất ngờ thay, một tiếng sau, anh ta lại nhận được một cuộc gọi từ tổng đài. Điện thoại của phòng Owen lại tắt liên lạc, mặc dù không được sử dụng.
Lần này, khi nhân viên mở cửa phòng, anh thấy một cảnh tượng khủng khiếp. Owen đang ngồi cuộn mình trong góc phòng, hai tay ôm lấy đầu, với nhiều vết đâm trên cơ thể. Khăn trải giường và khăn tắm thấm đẫm máu, các bức tường và trần nhà cũng dính đầy vết máu.
Người nhân viên ngay lập tức gọi cảnh sát, và họ đưa Owen thẳng đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy Owen đã bị tra tấn dã man. Tay, chân và cổ của anh ta đã bị trói chặt bởi một loại dây rợ nào đó, và nạn nhân bị nhiều vết đâm trên ngực. Phổi của anh ta bị thủng và hộp sọ vỡ nứt.
Không lâu sau đó, Roland T. Owen tử vong tại bệnh viện.
Các bác sĩ cũng phát hiện ra rằng các vết thương trên người Owen đã xuất hiện từ rất lâu trước khi người nhân viên đến phòng anh ta. Họ cho rằng nạn nhân đã cố gắng gọi điện thoại để kêu cứu nhiều lần, nhưng không thể làm gì ngoài việc nhấc máy lên do bị thương quá nặng.
Những vị khách... không tồn tại
Khi các thám tử khám xét căn phòng, sự kỳ quái lại tiếp diễn.
Trong phòng hoàn toàn không có quần áo và không có vật gì trùng với mô tả của Roland T. Owen vào thời điểm check in. Các tiện nghi của khách sạn như xà phòng và kem đánh răng đều biến mất, cùng với bất cứ thứ gì có thể sử dụng làm vũ khí giết người. Điều đáng chú ý duy nhất mà các thám tử tìm thấy là bốn dấu vân tay nhỏ trên điện thoại, và những dấu vân tay này đã không bao giờ được xác định danh tính.
Hơn nữa, các thám tử phát hiện ra rằng Roland T. Owen chưa bao giờ tồn tại. Không có bất kỳ hồ sơ nào cho thấy người đàn ông này từng sống ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ, và họ đành kêu gọi công chúng cung cấp bất kỳ thông tin nào về nạn nhân của vụ sát hại bí ẩn.
Không lâu sau, khách sạn lân cận mà Owen phàn nàn đã báo cáo rằng một người đàn ông trùng với mô tả đã lưu trú tại khách sạn vào ngày 1/1. Anh ta check in với cái tên Eugene K. Scott. Tuy nhiên, khi điều tra sâu hơn, cảnh sát cũng đi vào ngõ cụt như trường hợp của Roland T. Owen: chưa từng tồn tại một người nào mang tên Eugene K. Scott.
Trong những tháng tiếp theo, nhiều người đã nhận Owen là người thân của họ, mặc dù không có danh tính nào được xác nhận chính thức. Cuối cùng, vụ án rơi vào bế tắc và các thám tử quyết định chôn thi thể. Trong khi họ đang sắp xếp đám tang cho Owen, nhà tang lễ đã nhận được hoa và một số tiền để trang trải chi phí, cùng với một lá thư chỉ có độc một nội dung: “Yêu mãi mãi - Lucille.”
Một năm sau, một người phụ nữ tên Ruby Ogletree tuyên bố rằng Owen chính là con trai đã mất tích nhiều năm của bà. Theo lời bà, tên anh ta là Artemis Ogletree, và anh ta đã ở một khách sạn khác tại thành phố Kansas City vào thời điểm mất tích.
Không có nhiều bằng chứng cho thông tin của Ogletree hơn các trường hợp khác, nhưng cảnh sát cuối cùng vẫn tin lời bà, mặc dù các chuyên gia cho rằng niềm tin đó chỉ dựa trên sự thiếu bằng chứng của vụ án.
Cho đến ngày nay, vẫn chưa có lời giải xác đáng cho vụ sát hại Roland T. Owen. Bí ẩn về căn phòng 1046 có lẽ sẽ không bao giờ được giải đáp.