Trải nghiệm ‘tuyệt vời’ khi được học lịch sử tại bảo tàng

Học sinh hai lớp 6 của trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa có những trải nghiệm mà như các em đánh giá là “tuyệt vời” tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Video hoạt động trải nghiệm của học sinh trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: 

Hoạt động trải nghiệm - học lịch sử tại Bảo tàng đã được trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) xây dựng cả năm nay. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, đến nay nhà trường mới thực hiện được hoạt động này.

Với chủ đề “Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỷ X”, học sinh được nghe hai chủ đề: Họ Khúc, họ Dương dựng quyền tự chủ; Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Những nội dung này đều nằm trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 6.  

Trong phần đầu tiên, học sinh trường THCS Chu Văn An được tham quan hệ thống trưng bày phần Lịch sử Việt Nam thời tiền sử. Nhiều học sinh bày tỏ sự hào hứng với hiện vật cũng như câu hỏi của hướng dẫn viên.

Em Hoàng Minh, học sinh lớp 6C2 cho biết: “Em ấn tượng nhất với hiện vật trống đồng bởi những hoa văn chi tiết, khéo léo tái hiện đời sống, sinh hoạt của người xưa trên mặt trống”.  

Vốn yêu thích môn Lịch sử, Hoàng Minh càng thêm yêu môn học này hơn khi được học bằng cách trải nghiệm trực quan. Minh cho biết: “Dù học ở bảo tàng mất nhiều thời gian hơn học ở trường nhưng kiến thức ghi nhớ lại rất lâu”.  

Em Phạm Gia Bình, học sinh lớp 6C2 cho biết: “Ở phần lý thuyết em đã thấy hấp dẫn, đến khi được trải nghiệm phần tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng năm 938, em lại càng thấy vô cùng thú vị”.  

Bằng kiến thức vừa học, nhiều học sinh được trải nghiệm tái hiện một trận chiến. “Thật khâm phục khi với một lực lượng mỏng nhưng bằng trí thông minh, bài binh bố trận, ông cha ta đã chiến thắng được quân địch lực lượng hùng hậu hơn”, Phạm Gia Bình hào hứng kể.  

Ở phần thực hành kiến thức đã học, học sinh trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã có cuộc so tài ghép tranh, thuyết trình về bức tranh lịch sử vừa được ghép. Các em luôn nhận được sự khích lệ của thầy cô, hướng dẫn viên bảo tàng khi thực hiện phần thi này. Kết thúc buổi trải nghiệm diễn ra gần 3 tiếng, nhiều em mồ hôi ướt đẫm chiếc áo đồng phục nhưng khi được hỏi đều nói đến hai từ “tuyệt vời”, “thú vị”.  

Một học sinh nói: “Em không nghĩ học lịch sử ở bảo tàng lại thú vị đến vậy. Chúng em không chỉ học lịch sử mà còn như học thuyết trình, thi thể thao… Em mong nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động trải nghiệm như thế này”.  

Cô Vũ Hạnh Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Sau khi quan sát các con học lịch sử, tôi thấy được hiệu quả rõ rệt của hình thức trải nghiệm này. Các con không chỉ học được kiến thức lịch sử mà còn học kiến thức môn sinh học, giáo dục công dân… Điều này cũng khắc phục việc học Lịch sử trước đây. Dù học lịch sử nhưng đến di tích lịch sử lại không hiểu. Chúng tôi đã nghĩ đến việc đưa học sinh đến bảo tàng Sinh học học môn Sinh học. Học sinh học môn Mỹ thuật ở Bảo tàng Dân tộc học.  

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn địa lý và lịch sử được dạy tích hợp. Cô Vũ Hạnh Nguyên cho biết: “Để chuẩn bị cho việc dạy học tích hợp này, nhà trường đã tập huấn cho giáo viên từ năm học 2020 - 2021. Chúng tôi yêu cầu giáo viên hai bộ môn Lịch sử và Địa lý trao đổi, sinh hoạt chuyên môn chung để tích hợp các chủ đề được thiết kế trong sách giáo khoa. Quan trọng nhất là học sinh phát triển toàn diện thông qua hai bộ môn Lịch sử và Địa lý.    

Đây là lần đầu trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho học sinh trải nghiệm môn Lịch sử tại Bảo tàng, cũng là ngôi trường thứ 2 tại Hà Nội cho học sinh học sinh học Lịch sử theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau đây là một số hình ảnh học sinh trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia:

Chú thích ảnh
Buổi học lý thuyết Lịch sử có hiện vật đa dạng để minh hoạ.
Chú thích ảnh
"Cô giáo" trong giờ học hôm nay là những hướng dẫn viên của Bảo tàng. 
Chú thích ảnh
Sau phút rụt rè, các em học sinh trở nên hứng thú với phương pháp học tập mới này và tích cực tương tác với cô giáo - hướng dẫn viên.
Chú thích ảnh
Nhiều em tỏ ra thích thú với những câu truyện lịch sử.
Chú thích ảnh
Xong phần lý thuyết, đến phần thực hành, học sinh trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) được tái hiện lại một sự kiện lịch sử.
Chú thích ảnh
Các em thi ghép tranh lịch sử. 
Chú thích ảnh
Cùng nhau dựng bức tranh.
Chú thích ảnh
Cùng thuyết trình về bức tranh. Những kiến thức lịch sử của học sinh trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) thể hiện qua bài thuyết trình rất thu hút các bạn cùng trang lứa vì biểu cảm và chính xác.  

  

Lê Vân-Lê Phú/Báo Tin tức
Hội thảo khoa học 'Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử'
Hội thảo khoa học 'Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử'

Ngày 8/1, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử”, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961 - 15/2/2021).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN