Tấp nập khách dự khai hội chùa Hương từ sáng sớm

Ngay từ sáng sớm ngày 30/1 (tức Mồng 6 tháng Giêng), dòng người đã đổ về chùa Hương để dự lễ khai hội.

Chú thích ảnh
Ngay từ mờ sáng 30/1 (tức Mồng 6 tháng Giêng), bến đò suối Yến đã tấp nập người đến với chùa Hương.

Từ sáng sớm, các tuyến đường dẫn vào khu di tích nườm nượp dòng xe cộ vào, ra. Nhờ các phương án phân luồng giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông tại những vị trí quan trọng, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản không xảy ra. Các đối tượng đeo bám, “cò mồi’ khách sử dụng dịch vụ đã giảm đáng kể.

Chú thích ảnh
Động Hương Tích rạng sáng Mồng 6 tháng Giêng.

Càng đến gần không gian diễn ra lễ hội, lượng khách càng đông hơn, song không vì thế mà làm giảm đi nét đẹp của cảnh quan, ảnh hưởng đến nét văn hóa ứng xử. Trên dòng suối Yến, 4.000 đò hoạt động đều có giỏ đựng rác, trang bị phao cứu sinh. Các chủ đò được tập huấn, tuyên truyền về quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự với du khách.

Chú thích ảnh
Dù đã có cáp treo, nhưng nhiều người vẫn chọn đường bộ để hành hương.

Chị Nguyễn Thanh Vân, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), cho biết: “Đoàn tôi chỉ có 3 người, không muốn ghép chuyến với đoàn khác, nên chúng tôi tự thỏa thuận giá cả với chủ đò, nhằm đảm bảo ngày công cho họ. Chủ đò không đòi tiền “bồi dưỡng”, tôi cũng không thấy ai phản ánh bị chủ đò đưa ra mức giá bất hợp lý”.

Chú thích ảnh
Trên suối Yến tấp nập đò chở du khách thập phương về chùa Hương trẩy hội.

Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên tuyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2020, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.

Trước các điểm di tích như đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Long Vân, chùa Bảo Đài… đều có người nhắc nhở du khách không xả rác bừa bãi, hóa mã đúng nơi quy định, không dâng cúng lễ vật “mặn” như gà, chân giò, thịt lợn… lên các ban thờ phật. Tăng ni, phật tử, tình nguyện viên cùng nhà chùa và Ban tổ chức Lễ hội dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ gìn không gian tôn nghiêm nơi thờ tự.

Chú thích ảnh
Dòng người đổ về chùa Hương ngày khai hội mỗi lúc một đông, nhưng chưa xuất hiện hành vi phản cảm nào tại không gian lễ hội.

Điểm mới dễ nhận thấy là các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt tươi sống để quảng cáo, gây phản cảm. 100% hộ kinh doanh được tập huấn, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chú thích ảnh
Nhiều người chọn đi lễ sớm để tránh tắc đường.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo trên mọi phương diện, Lễ hội chùa Hương năm 2020 tiếp tục thu hút đông đảo du khách gần xa. Tính riêng từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã đón hơn 124.000 lượt khách. Riêng trong ngày khai hội, ước tính quần thể Hương Sơn đón hơn 50.000 lượt khách.

Tin, ảnh: L. Sơn/Báo Tin tức
Cảnh chùa Hương vắng 'lạ' trước ngày khai hội
Cảnh chùa Hương vắng 'lạ' trước ngày khai hội

Mùng 6 Tết là ngày khai hội chùa Hương trùng với ngày đầu tiên đi làm trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên trước chính hội 1 ngày lượng người đi lễ chùa Hương vắng "lạ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN