Video chó nghiệp vụ tham gia huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn:
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng - Huấn luyện viên Khoa giám biệt nguồn hơi, Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã gắn bó 8 năm với Pôka (tên của chú chó becgie được đào tạo nghiệp vụ). Anh yêu thương, chăm sóc chú chó Pôka như chính người thân yêu của mình.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Pôka cùng 5 chú chó nghiệp vụ và các cán bộ, chiến sĩ Trường Trung cấp 24 Biên phòng vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng cử sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa nhân đạo mà nước bạn vừa phải trải qua.
“Tôi vui khi Pôka phát hiện, đánh hơi thấy nơi có người bị nạn, nhưng tôi cũng buồn khi Pôka bị thương do dẫm phải thủy tinh trong đống đổ nát với nỗ lực tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Pôka luôn đồng hành với tôi như một người bạn, người đồng chí trung thành”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, tham gia cứu hộ cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi chó nghiệp vụ đánh hơi tìm nạn nhân ở những chỗ ngóc ngách, nguy hiểm các chiến sĩ biên phòng cũng phải lần theo dấu vết, phải theo sát cùng chó nghiệp vụ vào sát các vị trí.
“Khi chứng kiến Pôka bị thương mình cảm thấy đau xót như mình bị thương vậy. Rất đau nhưng Pôka cũng đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Cả chó và người đều phải cố gắng tìm kiếm người mất tích với tinh thần quốc tế cao cả”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng nói.
Trong buổi thực hành tình huống giả định, Đội chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn người bị vùi lấp trong khu vực sập đổ công trình. Rất nhanh chóng, Đội quân khuyển đã khẩn trương tìm kiếm cứu nạn bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Khoa giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Khi tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện phức tạp do thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất đá, các huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ phải lường trước các tình huống công trình sập đổ gây nguy hiểm đến tính mạng người và chó nghiệp vụ. Việc huấn luyện chó nghiệp vụ là cả một quá trình rất công phu, đòi hỏi lòng say mê, tâm huyết với nghề, yêu quý chó.
"Mỗi chú chó thích cái gì, phải biết được khi nào nó mệt mỏi, khi nào nó khỏe mạnh để huấn luyện, đưa các bài tập phù hợp để giúp cho chó nâng cao sức chiến đấu, phát huy cao độ khả năng vượt trội về khứu giác. Từ đó chúng tôi tiến hành xây dựng thao trường, bãi tập tương tự như những vụ sạt lở đất đá, sập đổ công trình để tiến hành huấn luyện”, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên cho hay.
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Quan điểm của nhà trường là muốn xây dựng một khoa độc lập, đó là khoa tìm kiếm cứu nạn để tham gia tìm kiếm cứu nạn ở trong nước và quốc tế. Trong đó khâu đầu tiên là phải đảm bảo từ huấn luyện viên, tuyển chọn những chú chó khỏe mạnh, xây dựng hệ thống thao trường đồng bộ phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện.
“Rèn luyện, sử dụng quân khuyển tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt lạnh giá như ở Thổ Nhĩ Kỳ hay nắng nóng như ở các nước châu Phi, mưa lũ sạt lở núi thường xuyên như ở các tỉnh miền Trung nước ta… đòi hỏi việc đào tạo huấn luyện chó nghiệp vụ rất công phu”, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên cho hay.
Những chú chó nghiệp vụ, quân khuyển đã từng tham gia tìm kiếm cứu nạn sau vụ sạt lở, mưa lũ tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020, hay lần đầu tiên tìm kiếm cứu nạn thành công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Thổ Nhĩ Kỳ…
Ở đâu nhân dân cần cứu giúp, những người lính “quân hàm xanh” với các chiến binh chó nghiệp vụ đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong mọi tình huống.