Khoảnh khắc người dân Hàn Quốc nghe còi báo động không kích lần đầu sau 6 năm

Ngày 2/11, Triều Tiên đã bắn tên lửa với số lượng lớn chưa từng có từ trước đến nay. Sự việc buộc Seoul phải kích hoạt hệ thống còi báo động phòng không đầu tiên sau 6 năm.

Cụ thể, còi báo động không kích đã được bật lên trên đảo Ulleung vào 8h55 sáng 2/11 sau khi Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông.

Quan chức Hàn Quốc cho biết một trong ba quả tên lửa đã bay qua đường biên giới trên biển giữa hai nước và hướng về phía hòn đảo trước khi rơi xuống vùng biển quốc tế. Cảnh báo đã được dỡ bỏ lúc 2h chiều cùng ngày và hạ cấp xuống báo động an ninh thấp hơn.

Hàn Quốc đã kích hoạt tổng cộng 13 cảnh báo phòng không dân dụng, bao gồm còi báo động không kích được phát ra để cảnh báo về một cuộc tấn công của kẻ địch.

Video báo động không kích làm gián đoạn chương trình phát sóng truyền hình (nguồn: Twitter/Raphael Rashid):

Lần đầu tiên người dân ở thủ đô Seoul nghe thấy còi báo động an ninh là vào ngày 25/2/1983. Hệ thống cũng được kích hoạt tại hai thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi. Vào thời điểm đó, một phi công của lực lượng không quân Triều Tiên đã đáp một máy bay chiến đấu xuống một căn cứ ở Hàn Quốc.

Đến tháng 11/2010, Hàn Quốc cũng kích hoạt hệ thống báo động phòng không khi Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong ở biên giới phía Tây, khiến 4 người thiệt mạng.

Năm 2016, Hàn Quốc kích hoạt cảnh báo không kích lần gần đây nhất đối với các đảo biên giới phía tây Baengnyeong và Daecheong nhằm đáp trả việc Triều Tiên bắn một tên lửa tầm xa vào ngày 7/2/2016.

Còi báo động khẩn cấp vang lên khắp hòn đảo trong vài phút, khiến cư dân chạy tán loạn vào các tầng hầm và nơi trú ẩn. Một quan chức của chính quyền Ulleung cho biết: “Ngay sau khi báo động không kích vang lên, các nhân viên đã sơ tán xuống tầng hầm. Chúng tôi quay trở lại văn phòng sau 3 phút. Chúng tôi rất hoảng loạn vì đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến việc này”.

Tuy nhiên, một số người dân cho hay họ không nghe thấy tiếng báo động và vì đó không sơ tán kịp. Một số tàu đánh cá và du thuyền chở khách cũng bị ảnh hưởng từ việc báo động khẩn cấp này. Tàu du lịch Sunrise chở khách từ Pohang sang đảo đã phải lui lại giờ khởi hành 20 phút do cảnh báo không kích.

Chỉ trong ngày 2/11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 23 tên lửa ra vùng biển phía Đông và phía Tây của nước này, trong đó có 1 tên lửa rơi gần lãnh hải Hàn Quốc. Không chỉ vậy, Triều Tiên cũng bắn hơn 100 quả đạn pháo từ huyện Kosong, tỉnh Kangwon hướng vào "vùng đệm" ở vùng biển phía Đông vốn được thiết lập theo thỏa thuận quân sự liên Triều ký hồi tháng 9/2018 giữa hai nước.

Sang ngày 3/11, Triều Tiên tiếp tục phóng 1 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía Đông. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa của Triều Tiên bay được hành trình khoảng 750 km tới độ cao 2.000 km.

Dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, kênh truyền hình NHK nước này cho biết tên lửa đạn đạo đầu tiên do Triều Tiên phóng vào sáng 3/11 không bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Trước đó, hệ thống cảnh báo J-Alert tại một số khu vực đã được kích hoạt sau khi có thông tin tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yonhap)
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản

Sáng 3/11, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông nước này vào khoảng 7h45 phút sáng cùng ngày theo giờ địa phương, tức 5h45 phút giờ Hà Nội. Quân đội Hàn Quốc sẽ phối hợp với quân đội Mỹ thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng mới nhất này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN