Chống lạm dụng tăng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Thông tư 13 của Bộ Y tế về quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đã có hiệu lực, một số bệnh viện đã điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp, đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Điều chỉnh giá tùy nơi

Khoảng 1 tiếng trước giờ mở cửa, khu vực bán phiếu khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Mắt Trung ương, người dân đã xếp hàng dài ngồi chờ. Người bệnh, người nhà chấp nhận ngột ngạt trong cái nóng để mong được khám sớm.

Trên bảng điện tử, giá khám các hạng mục được công khai để người bệnh tham khảo. Theo đó, giá khám giáo sư, phó giáo sư, trưởng khoa (tức là do các BS là GS, PGS, trưởng khoa thực hiện) là 600.000 đồng/lượt; khám sớm, khám chuyên sâu, khám giám định y khoa là 200.000 đồng/lượt; khám lần đầu, khám lại trong 1 tháng sau khi ra viện là 200.000 đồng/lượt...

Clip ghi nhận tại bệnh viện:

Bà Phạm Thị Dung (ở Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị rò tuyến lệ nên phải đi khám thường xuyên, định kỳ tại bệnh viện. Tháng trước tôi cũng khám giáo sư, mua phiếu khám là 600.000 đồng, nghe nói tháng này nhiều bệnh viện thay đổi giá nhưng tôi thấy thông báo giá vẫn như cũ. Biết đây là hạng giá cao nhất nhưng tâm lý chung của người bệnh chúng tôi là muốn được bác sĩ tốt nhất khám, hưởng dịch vụ tốt nhất nên nhiều khi cũng chấp nhận giá cao. Dịch vụ khám của giáo sư, phó giáo sư chất lượng tốt, bệnh nhân chúng tôi được khám kỹ càng, tư vấn nhiệt tình, chờ đợi cũng không quá lâu”.

“Với mức giá này tôi thấy cũng là phù hợp, không phải quá cao. Bệnh nhân cũng được lựa chọn, nếu có điều kiện thì có thể khám theo yêu cầu, còn với những ai không có điều kiện thì có thể chọn khám thường, đã là bệnh viện tuyến Trung ương thì không phải lo lắng về chất lượng”, bà Dung chia sẻ.

Ngồi xếp hàng ở trước cửa khu vực mua phiếu khám theo yêu cầu cho em trai, chị Ngô Thu Vân (ở Nam Định) lo lắng: “Tôi cứ chọn dịch vụ tốt nhất cho em tôi được khám nhanh, khám sớm, đỡ chờ đợi mệt mỏi. Tôi đã tham khảo và chọn khám giáo sư để được bác sĩ giỏi đánh giá tình hình tốt nhất, gia đình cũng yên tâm. Đến bệnh viện mới biết giá khám giáo sư là 600.000/lượt. Theo tôi mức giá này cũng không phải thấp, tôi đi khám ở nhiều bệnh viện và thấy giá khám dịch vụ ở các bệnh viện cũng từ 200.000 - 500.000 đồng tùy dịch vụ, người khám. So với mặt bằng thu nhập như chúng tôi thì giá này hơi cao nhưng chất lượng khám tốt thì tôi nghĩ bệnh nhân cũng không thắc mắc vì ai cũng muốn nhanh, muốn tốt nhất”.

Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khu vực khám theo yêu cầu cũng chật kín người dân ngồi dãy ghế chờ. Trò chuyện với các bệnh nhân khác, bà Vũ Thị Thu (ở Vĩnh Phúc) đã khám và nội soi đại tràng xong trong buổi sáng, chỉ còn chờ bác sĩ đọc kết quả và chỉ định. “Tôi đã đóng khoảng 8 triệu đồng để được khám, nội soi và cắt Polyp đại tràng. Xác định nằm điều trị theo yêu cầu nên chi phí sẽ cao. Gia đình tôi cũng đã đi tham khảo ở các bệnh viện khác, có nơi còn cao hơn, nên tôi chọn thực hiện ở đây vừa yên tâm vừa phù hợp”.

Ghi nhận tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, giá dịch y tế theo yêu cầu chi phí cao, nhưng vẫn rất nhiều người lựa chọn. Hiện các bệnh viện đã có sự điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế để có sự thống nhất mức giá chung. Đa số người dân vẫn chấp nhận mức giá hiện nay và mong muốn sẽ được cải tiến dịch vụ tốt hơn nữa, giảm quá tải hơn nữa để hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Hiện bảng giá khám, chữa bệnh dịch vụ mới áp dụng từ ngày 15/8 đã được các bệnh viện công khai để người bệnh được biết và lựa chọn. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã xây dựng bảng giá và công khai giá các dịch vụ theo yêu cầu từ ngày 10/8. Việc điều chỉnh giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện bằng giá tối đa theo Thông tư 13 của Bộ Y tế. Cụ thể, với quy định mới, mức giá khám bệnh theo yêu cầu 1, khám chuyên gia, khám bệnh theo yêu cầu 4 có chung mức giá là 500.000 đồng/lượt là mức giá kịch trần theo Thông tư 13, không còn chia ra các mức khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ như trước đây. Có 1.478 các dịch vụ, kỹ thuật đã có quy định mức giá cụ thể như: Chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng là 2.368.000 đồng, chụp cộng hưởng từ khuếch tán là 2.624.000 đồng, cộng hưởng từ phổ tim là 4.426.000 đồng, chụp Xquang toàn bộ chi dưới thẳng là 227.000 đồng...

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Nhiều dịch vụ đã giảm giá sau khi điều chỉnh như: Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết là hơn 1 triệu đồng/lượt, giảm gần 400.000 đồng so với trước; phẫu thuật cắt cụt chi từ 13 triệu đồng còn 6 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở từ 14 triệu đồng còn gần 8,5 triệu đồng...

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần này, bệnh viện không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ theo yêu cầu nào so với trước đây, nhiều dịch vụ được điều chỉnh giảm giá.

Tuy nhiều dịch vụ giảm giá mạnh nhưng chất lượng dịch vụ sẽ không thay đổi. Bệnh viện tiếp tục hoàn thiện hơn và đặt chất lượng khám chữa bệnh lên hàng đầu.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước đây, hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác theo giá của bảo hiểm y tế. Cụ thể, giá khám của giáo sư, phó giáo sư chỉ 150.000 đồng/lượt; khám tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng/ lượt; khám thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng/lượt (mức thu này cũng áp dụng ở khám theo yêu cầu).

Với mức giá rất thấp như trước kia, căn cứ vào khung giá Bộ Y tế quy định, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát, điều chỉnh giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp ở mức 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, khám thạc sĩ, bác sĩ là 300.000 đồng... có những dịch vụ tăng giá gấp vài lần.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Với Thông tư 13, Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh, giường bệnh khá rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình. Thông tư lần này cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để khám chữa bệnh cho người dân.

Đảm bảo quyền lợi người bệnh

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh theo Thông tư 13 đã có nhiều dịch vụ theo yêu cầu tại một số cơ sở y tế giảm giá so với mức giá trần, hoặc thấp hơn giá trần là do trước đó, khi xây dựng giá, các bệnh viện đã tính đủ các yếu tố cấu thành khi thực hiện dịch vụ và sử dụng những vật tư tốt nhất. Việc xây dựng mức giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện cũng phải tính đến nhóm bệnh nhân có thể vào bệnh viện. Nếu xây dựng giá quá cao, người bệnh không đến bệnh viện thì cũng không có tác dụng. Thông tư 13 là nền tảng để các bệnh viện có căn cứ xây dựng bảng giá cho phù hợp với từng đơn vị, đối tượng người bệnh.

Trước lo lắng của nhiều người dân về việc liệu có xảy ra việc lạm dụng các dịch vụ y tế theo yêu cầu tại các bệnh viện và bệnh viện chỉ tập trung cho khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo Bộ Y tế, Thông tư 13 đã quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: Quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám, chữa bệnh theo yêu cầu tối đa 30%.

Theo đó, việc xây dựng khung giá lần này phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay. Trước đây, các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng mỗi nơi mỗi giá, chưa thống nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể. Thông tư 13 sẽ là khung giá mới để siết chặt lại, không cho phép thực hiện ồ ạt.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, bệnh viện đã phải rà soát điều kiện, tiêu chuẩn thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức được phép. Bệnh viện không cho phép các đơn vị thực hiện vượt quá 20% giường bệnh thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu bởi nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ gây thiệt thòi cho bệnh nhân nghèo, khám chữa bệnh bằng BHYT.

Bộ Y tế cũng khẳng định, việc ban hành Thông tư 13 không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đó, người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT- BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Các bệnh viện công khai, minh bạch giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu
Các bệnh viện công khai, minh bạch giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

Thông tư 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN