Các vị La Hán chùa Tây Phương đang ‘kêu cứu’

Chùa Tây Phương đang xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói xô lệch và dột nhiều nơi, kèo cột trong chùa mối mọt có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhiều pho tượng cổ đang dần hư hại…

Chùa Tây Phương nằm ở làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc. Đây được coi là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Trong 64 pho tượng, phải kể đến bộ tượng 18 vị La Hán được chạm khắc từ thời Tây Sơn cách đây gần 300 năm; đặc sắc nhất là pho tượng phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay.

Ni sư Thích Đàm Thuỷ, trụ trì chùa Tây Phương cho biết, nhiều cột, trụ của chùa bị mối đục, ăn mòn từ chân đế lên dần đến các điểm nối giữa xà và cột gỗ… “Nếu không kịp thời xử lý thì trong thời gian tới sẽ sụp đổ cục bộ 1 phần khu vực mối mọt và sẽ lây lan sang các chỗ khác, từ đó sẽ phá vỡ kiến trúc, kết cấu gỗ”.

Video phóng viên ghi nhận sự xuống cấp tại chùa Tây Phương:

Chùa Tây Phương gồm ba chùa Thượng, Trung, Hạ tách biệt đứng song song thành hình chữ “Tam”, được xây dựng theo phái Bắc Tông. Nhiều năm qua, bên cạnh việc chống chọi với mối mọt, một phần mái ngói của chùa Hạ đã xô lệch, cứ sau mỗi trận mưa là bị thấm dột. Tại khu vực chùa Thượng và chùa Trung đang đặt hộp nhử mối, thậm chí tại một số chân cột gỗ của chùa đã được khoan lỗ đặt thuốc diệt mối nhưng chưa hiệu quả.

Ni sư Thích Đàm Thuỷ lo ngại về các pho tượng cổ của chùa đang bị xâm hại nặng bởi thời tiết và nhiều nguyên nhân khác. Chân đế một số bức tượng đã bong gẫy phần gỗ, bị mối đục loang lổ; trên gương mặt và phần thân của nhiều tượng cổ đã bong tróc lớp sơn son…

Liên quan đến việc quản lý khu di tích chùa Tây Phương, ông Cấn Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Thạch Thất xác nhận việc chùa Tây Phương đang có dấu hiệu xuống cấp và cho biết, huyện đã có kế hoạch, có văn bản trình TP Hà Nội. Hiện thành phố giao cho Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với huyện Thạch Thất lên phương án tu bổ tổng thể với nguồn kinh phí dự kiến 150 tỷ đồng.

Theo ông Cấn Việt Hùng, quan điểm của huyện Thạch Thất là sẽ tu sửa tổng thể nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính của chùa chứ không làm mới. Trước mắt, huyện sẽ có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho khu di tích, nhất là việc đón khách trở lại vào ngày mùng 6 tháng 3 Âm lịch tới đây.

Chùm ảnh phóng viên ghi nhận tại chùa Tây Phương (tháng 3/2022):

Chú thích ảnh
Chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu, bao phủ xung quanh là cây xanh.
Chú thích ảnh
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa hiện đang xuống cấp.
Chú thích ảnh
Tại chính điện, hộp nhử mối được đặt trên các cột gỗ.
Chú thích ảnh
Ni sư Thích Đàm Thuỷ chỉ rõ nhiều vị trí trong chùa bị mối mọt ăn xông.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Một số chân cột gỗ của chùa được khoan lỗ đặt thuốc diệt mối nhưng chưa hiệu quả.
Chú thích ảnh
Nhiều vị trí trong chùa bị dột nát, ẩm mốc.
Chú thích ảnh
Một số pho tượng cổ bị bong tróc không còn nguyên vẹn.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Phần chân đế của nhiều pho tượng cổ đã bị mối mọt đục khoét loang lổ.
Chú thích ảnh
Một phần mái ngói của chùa đã xô lệch, cứ sau mỗi trận mưa là bị thấm dột.
Chú thích ảnh
Hộp nhử mối được đặt khắp nơi trong chùa.
Chú thích ảnh
Điểm nối giữa xà và cột gỗ của chùa hiện đang bị mối đục, ăn mòn.
Chú thích ảnh
Mỗi năm có khoảng gần một triệu người đến tham quan chùa Tây Phương.

 

Chùa Tây Phương đã được Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1962. Đến năm 2015, chùa được Thủ tướng Chính phủ trao quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tin, ảnh, clip: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Người dân Hà Nội đi lễ đền, chùa Rằm tháng Giêng
Người dân Hà Nội đi lễ đền, chùa Rằm tháng Giêng

Mỗi dịp Rằm tháng Giêng, nhiều người dân Hà Nội ngoài làm mâm cơm cúng tại nhà theo truyền thống còn đi lễ tại các đền, chùa để cầu mong bình an, may mắn và những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN