Xây dựng và củng cố vành đai văn hóa biên cương

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã tạo động lực để các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được gìn giữ, phát huy, trở thành nguồn lực và động lực to lớn của Lào Cai trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin kỹ thuật số và các trang mạng xã hội đã và đang khiến việc quản lý lĩnh vực văn hóa và thông tin truyền thông, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương đứng trước nhiều thời cơ và thách thức.

Chú thích ảnh
Thành phố Lào Cai ngày nay. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Nhận thấy lớp trẻ hiện nay có xu hướng yêu thích cái mới, hiện đại, Nghệ nhân Dân gian Hoàng Thị Quản (sinh năm 1962, thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn) lo ngại những nét đẹp trong phong tục, văn hóa truyền thống của người Tày được chắt chiu qua nhiều thế hệ đang dần mai một. Trong khi đó, lớp người cao tuổi am hiểu và biết hát dân ca ít dần theo năm tháng. Vì đặc điểm của Khắp Nôm là truyền miệng, hàng chục năm trời, bà đã phải cất công nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu nôm cổ từ những vị lão niên ở địa phương.

Sau đó, bà Hoàng Thị Quản chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ Khắp Nôm. Cùng với đó, bà thường xuyên trao truyền Khắp Nôm và dạy múa then cho các thế hệ trẻ của xã. Bà đề xuất đưa nội dung này vào các giờ học ngoại khóa của Trường Trung học cơ sở và Trường Tiểu học Khánh Yên Trung. Từ năm học 2016 đến nay, bà đã tổ chức được hàng chục buổi hướng dẫn kỹ năng hát Nôm, múa Then cho hơn 300 học sinh.

Những nghệ nhân như bà Quản đã đóng góp không nhỏ trong việc lan tỏa và duy trì sức sống mạnh mẽ của làn điệu Khắp Nôm tại địa phương. Bởi vậy, ngoài những bài Khắp Nôm cổ, hiện nay, tại Văn Bàn, nhiều bài Khắp Nôm sáng tác mới xuất hiện để cổ vũ phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, không thách cưới, không tảo hôn, thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Năm 2018, Khắp Nôm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Tày huyện Văn Bàn nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Văn Bàn hiện đã thành lập 12 câu lạc bộ Khắp Nôm tại các xã, thị trấn. Để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao giá trị của Khắp Nôm, huyện thường xuyên tổ chức Liên hoan Hát Nôm Tày với sự tham gia của hàng trăm diễn viên không chuyên, nghệ nhân dân gian đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn.

Đến nay, Lào Cai có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 22 di tích danh thắng cấp quốc gia và 34 di tích danh thắng cấp tỉnh. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được khai thác và trở thành nguồn lực, sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Nghề chạm khắc bạc của người Mông; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ Pút Tồng của người Dao đỏ ở Sa Pa; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Sa Pa; Nghệ thuật The (múa) của người Tày xã Tà Chải, huyện Bắc Hà,...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Lào Cai không chỉ khai thác hiệu quả chất liệu văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ..., mà còn huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ở vùng cao như: Hôn nhân cận huyết thống; tảo hôn; bất bình đẳng giới; phụ nữ đi khỏi địa phương,...

Trong đó, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng được quan tâm. Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện 126 mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình tại 126 xã với 630 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện 46 mô hình Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam tại 46 xã với 460 thôn, bản.

Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hôn nhân cận huyết thống - vấn nạn vô cùng nhức nhối tại nhiều địa bàn vùng cao tại Lào Cai đã được loại bỏ. Nhờ đó,  hết năm 2023 nhiều chỉ tiêu về văn hóa khu dân cư có chuyển biến tích cực: Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%, tăng 8,45%; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 79%, tăng 11,07% so với năm 2014,.

Củng cố vành đai văn hóa biên cương

Nếu biên cương quốc gia là một thực thể hữu hình, được bảo vệ bởi chủ quyền quốc gia và công pháp quốc tế nên sẽ khó bị xâm phạm, lấn chiếm, thì “biên cương văn hóa tư tưởng” là ranh giới vô hình, mong manh, rất khó quản lý và ngăn chặn sự “xâm lăng” từ bên ngoài vào. Chính điều đó đang tác động đến những động thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” âm thầm nhưng rất nguy hiểm, khó lường trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Do đó, việc xây dựng và củng cố vành đai văn hóa biên cương là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Lào Cai ưu tiên thực hiện.

Trong thời gian tới, tỉnh xác định nâng cao dân trí, chăm lo xây dựng con người Lào Cai có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản của người Việt Nam, mang đặc trưng vùng đất biên cương của Tổ quốc: “Đoàn kết - Yêu nước - Kỷ cương - Văn minh - Hiếu khách"; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; văn hóa trong chính trị, kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW; qua đó, thật sự thấm nhuần quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, phát triển “sức mạnh mềm ” của văn hóa; thực hiện tốt phương châm “Biến di sản thành tài sản”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường, thời gian tới, tỉnh chú trọng bảo vệ, giữ gìn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; tổ chức nghiên cứu, xác định các giá trị văn hóa, giá trị chuẩn mực con người Lào Cai bảo đảm tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa các dân tộc anh em; chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời linh hoạt trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài trong quá trình phát triển và hội nhập.

Ngoài ra, với đặc thù là địa bàn vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Lào Cai tiếp tục quan tâm công tác xây dựng gia đình, chú trọng giải quyết những vấn đề về hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bất bình đẳng giới, phụ nữ đi khỏi địa phương, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đặc biệt, địa phương xác định đồng bộ hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh của tỉnh; huy động nguồn lực đầu tư thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa, nhất là khơi thông nguồn lực xã hội.

Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới, bằng nhiều thứ tiếng; tăng cường đưa văn hóa về cơ sở, chú trọng đến các địa bàn vùng cao, vùng khó khăn, biên giới; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng trong nhà trường và trong thế hệ trẻ.

Hương Thu (TTXVN)
Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật 'Tự hào một dải biên cương' năm 2024
Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật 'Tự hào một dải biên cương' năm 2024

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa công bố thể lệ Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN