Lễ hội Bun Vốc Nặm gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ sẽ tái hiện Lễ cúng cầu mùa, Lễ cúng cầu mưa, múa xòe và té nước.
Mở đầu phần lễ là nghi lễ cúng thần linh với các lễ vật gồm: Lợn, gà, bánh chưng, rượu, chè, xôi, mía, chuối, hoa quả, bánh kẹo. Sau khi dâng lễ xong, thầy cúng bắt đầu làm các nghi lễ cúng thần linh. Kết thúc nghi lễ này, thầy cúng bước lên phát lệnh cho đoàn lễ đi xin nước mưa để cúng tượng phật trong chùa. Đoàn lễ đi xin nước mưa của các gia đình đã được bản lựa chọn. Những gia đình này năm vừa qua mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Các gia đình trong bản mang nước mưa đứng 2 bên đường té nước vào đoàn rước với mong muốn được góp nước dâng lên cúng tượng Phật và cầu mong năm mới may mắn, sức khỏe, làm ăn phát đạt.
Khi đoàn rước nước và hoa về đến chùa. Thầy cúng cầm 2 nén hương tiến vào chùa làm các nghi lễ dâng hương; sau đó nhận lễ vật từ tay của các già làng để dâng vào chùa. Khi đặt lễ xong, thầy cúng cho phép đoàn rước tiến vào trong chùa để dâng hoa, dâng nước. Hai lần dâng hoa sẽ là một lần tưới nước nối tiếp nhau cho đến khi dâng hết hoa. Tiếp theo là lễ rửa tượng Phật với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới. Thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa; sau đó cho cả đoàn lễ đi vòng quanh chùa 3 vòng rồi cho phép mọi người được ca hát, nhảy múa phía trước chùa. Cuối cùng, các đại biểu, du khách và nhân dân cùng ra dòng suối Nậm Mu hòa mình vào lễ hội té nước của dân tộc Lào; cầu mong cho một năm mới sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, may mắn ngập tràn.
Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Mặc dù dân số không đông nhưng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây có nhiều nét đặc sắc, phong phú và đa dạng mang đặc trưng của dân tộc Lào ở Tây Bắc.
Từ đời xa xưa, người Lào rất coi trọng nước, nước là nhu cầu sống thiết yếu của con người và vạn vật. Từ ý nguyện ấy, dân tộc Lào đã nương tựa vào “phà”, “đin” (nghĩa là trời - đất) để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, vạn vật tốt tươi. Đây là nguồn gốc hình thành, lưu truyền tục cầu mưa của dân tộc Lào và được gọi là Lễ hội Bun Vốc Nặm hay Lễ hội té nước.
Phần hội diễn ra nhiều hoạt động thu hút người dân và du khách như: Giao lưu văn nghệ, thi bắt cá suối, thi đua bè, thi ẩm thực, thi đan giỏ tre, tổ chức các trò chơi dân gian (tung còn, bắt đầu bắt chân, bịt mắt đập chiêng, đi cầu thăng bằng...) mang đậm bản sắc của dân tộc Lào.
Đến từ Vĩnh Phúc, du khách Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, được biết lễ hội của người Lào rất hay qua bạn bè, chị và người thân đã quyết định tham gia vào năm nay. Không khí lễ hội rất nhộn nhịp và vui tươi. Chị ấn tượng với trang phục của người dân nơi đây. Nó rất đẹp và cầu kỳ. Những người già ở đây còn nhuộm răng đen. Ở đây có nhiều nét văn hóa độc đáo đáng để trải nghiệm.
Ông Vàng Văn Kẻo, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết, Nà Tăm là xã có gần 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho đến ngày nay, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nặm - một nghi lễ truyền thống của dân tộc Lào. Lễ hội này được duy trì tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh.