Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020, hội đã có nhiều hoạt động đáng kể đưa nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả nổi bật trên cả bốn phương diện: đẩy mạnh sáng tác, xây dựng đội ngũ, quảng bá tác phẩm, hội nhập quốc tế; đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới…, từng bước đưa đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của đời sống.
Ban chấp hành Hội đã thực hiện nhiều biện pháp động viên các nhà văn có những sáng tác bám sát đời sống, mạnh mẽ đi vào những vấn đề trung tâm của đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, xây dựng con người; kế tục thành tựu, xu hướng phát triển 35 năm đổi mới dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là đề cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhập tích cực.
Vấn đề đạo đức xã hội đã được nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo từ lâu, nay tiếp tục đi sâu vào nhiều ngõ ngách, cảnh báo về những vực thẳm dưới tác động tinh vi và dữ dằn của thị trường. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực, tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách, trách nhiệm của nhà văn với đất nước.
Ban chấp hành Hội đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các hội viên. Ngoài các trại sáng tác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, Hội còn tổ chức trại sáng tác lý luận phê bình, trại sáng tác tiểu thuyết để thực hiện theo hướng chuyên sâu nâng cao chất lượng tổng thể loại; tổ chức các cuộc thi truyện ngắn, thi thơ… phát hiện thêm những cây bút trẻ có triển vọng.
Đặc biệt, cuộc thi tiểu thuyết 2015-2019 do Hội tổ chức có 176 tác phẩm tham dự. Đây là một cuộc thi thành công, một mùa gặt tiểu thuyết mới rất đáng mừng, ghi dấu bước chuyển mới của thể loại trọng yếu của văn học Việt Nam. Công tác xét giải thưởng hàng năm được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng, không chạy theo thành tích. Ngoài các hoạt động do Hội tổ chức, trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam còn phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức các cuộc thi văn học theo từng đề tài từ đó tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Năm năm qua, văn học Việt Nam có sự nở rộ về đề tài lịch sử. Với độ lùi về thời gian và nguồn sử liệu phong phú, nhiều tác phẩm công phu, bề thế và sâu sắc lấp một khoảng trống trong các giai đoạn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhiều vấn đề tồn nghi trong lịch sử đã được khám phá, minh xác với cách nhìn và chứng cớ lịch sử mới, đem đến một “cảnh quan lịch sử” khách quan, trung thực, có tác dụng bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Nhiều tác phẩm tiếp tục lấy cảm hứng sáng tác về hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có một số tác giả viết về chiến tranh với ý thức hàn gắn những rạn nứt trong quá khứ, hướng tới sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. nhiều tác giả đã tiếp cận đến đề tài nóng bỏng hiện nay là cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh hải của Tổ quốc ở Biển Đông...
Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều sáng tác tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, trong đó vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề nóng bỏng nhất. Trong cuộc đấu tranh giữa cái thật và cái giả, cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu… các tác giả đã xây dựng thành công nhiều mẫu người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mở đường vượt khó, chống đói nghèo, lạc hậu, chống lại cả các sức ì trong mỗi một con người… Đồng thời, với cách nhìn hiện thực sắc sảo, nhiều tác phẩm văn học đã lên tiếng phê phán lối sống đạo đức giả, tôn thờ đồng tiền, tham nhũng, lợi dụng quyền lực, tha hóa về phẩm chất, lối sống, dẫm đạp lên mọi nguyên tắc đạo đức, bán rẻ lương tâm trong các vụ áp phe vụ lợi... Văn học thêm một lần nữa xứng đáng là lương tâm của xã hội, đi đầu trong sứ mệnh phục hưng các giá trị văn hoá dân tộc.
Đánh giá về những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, mặc dù có nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay văn học nước ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại, công cuộc Đổi mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học. Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phổ biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện gò bó, máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ phát triển văn học cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương khóa XI, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đặc biệt là học tập, quán triệt đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào mọi hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, hội vận dụng đường lối, quan điểm của Đảng vào hoạt động thực tiễn, phát triển văn học theo phương hướng "Tiếp tục đổi mới tư duy văn học, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả văn học, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".