Bế mạc Liên hoan Phim tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 7:

Vẫn buồn cho phim tài liệu Việt

Sau 10 ngày diễn ra sôi nổi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam 2015 đã khép lại trong sự nuối tiếc của nhiều người trong nghề và khán giả.

Liên hoan phim tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 7 đã mang đến sân chơi bổ ích, quen thuộc đối với giới nghề nghiệp và công chúng. Các tác phẩm điện ảnh tài liệu của 10 nước gồm Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Israel và Việt Nam đã đánh dấu sự mở rộng về quy mô của liên hoan, trong đó có nhiều phim chất lượng, đoạt các giải thưởng quốc tế, trong nước.

Một cảnh trong phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của đạo diễn Lê Hồng Chương.


19 phim tham dự liên hoan cùng hàng chục phim trình chiếu trong chương trình chiếu phim của tác giả trẻ Đông Nam Á đề cập tới những đề tài đa dạng, trong đó có những câu chuyện nóng bỏng, sâu sắc có tính toàn cầu.

Trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, mỗi bộ phim của Việt Nam được chiếu cùng các phim của nước ngoài. Sau mỗi buổi chiếu phim, khán giả lại có cơ hội giao lưu, trò chuyện cùng đạo diễn, điều này sẽ giúp người trong nghề cũng như công chúng vừa được xem phim, vừa có thể đối thoại, tìm hiểu thêm nhiều hơn về quá trình sản xuất bộ phim. Có thể nói, những bộ phim tài liệu được trình chiếu trong liên hoan phim đã tạo nên một góc nhìn trung thực về thế giới, về cuộc sống đương đại, là nơi các khán giả trải nghiệm những câu chuyện đầy lý thú, sắc màu... của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là cơ hội để các nhà làm phim trẻ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

Cứ đến giờ chiếu phim, khán phòng lại chật kín khách, trung bình mỗi buổi tối thu hút khoảng 300 - 500 khán giả, đủ các lứa tuổi, từ thanh niên, đến người cao tuổi. Điều này chứng tỏ phim tài liệu vẫn có sức hút không nhỏ với công chúng.

Phải nói rằng, cuộc đối thoại giữa phim châu Âu và Việt Nam đã mang đến cho công chúng, gồm cả những người trong nghề cũng như khán giả nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều khán giả, xem các phim nước ngoài vẫn hấp dẫn hơn phim Việt Nam, nhiều khi có cảm giác như xem phim truyện chứ không phải xem một bộ phim tài liệu. Khi xem phim “Giai điệu quê hương” của đạo diễn Arne Birkenstock, hầu hết khán giả đều cảm nhận được cảm xúc về tình yêu mà người Đức dành cho quê hương và nhạc dân tộc. Trong từng cảnh quay, đạo diễn Arne đã lột tả cách nhìn của tất cả nhạc sĩ và ca sĩ bất kể già, trẻ, lập dị hay hiện đại, những người có chung niềm đam mê âm nhạc truyền thống, thậm chí rất nhiều khán giả cả Việt Nam và nước ngoài rất tự nhiên lắc lư theo những giai điệu của bộ phim, bật cười trước những tình huống, lời thoại trong phim...

Trong khi đó, nhiều bộ phim Việt Nam, khán giả xem xong cảm thấy chưa hài lòng. Bạn Nguyễn Thu Hồng, một khán giả ở Hà Nội cho biết: “Xem những bộ phim chiếu đợt này, nếu như xem phim tài liệu nước ngoài thấy rất hấp dẫn, từ đề tài thể hiện đến cách kể chuyện luôn khiến người xem cảm thấy hứng thú. Trong khi đó, nhiều bộ phim tài liệu của mình, cách kể câu chuyện vẫn rất cũ, lời dẫn nhiều nhưng rất khiên cưỡng, thậm chí có phim xem xong còn cảm thấy không thoải mái, vì tác giả áp đặt suy nghĩ của mình vào trong phim một cách không thực tế”.

Năm 2015 là năm thứ 7 LHP tài liệu quốc tế châu Âu - Việt Nam được tổ chức, khán giả mong muốn liên hoan không chỉ mang đến những bộ phim tài liệu xuất sắc của điện ảnh nước ngoài, mà còn cho thấy sự biến chuyển của đời sống phim Việt. Tuy nhiên, trong số 10 phim Việt Nam tham dự liên hoan lần này, có tới một nửa là phim ra đời từ cách đây... gần 10 năm. “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai” (1998), “Chốn quê” (2001), “Còn lại với thời gian” (2005)... Cho dù những phim này từng đoạt giải, nhưng bởi vì đã công chiếu nhiều lần, với cách làm phim quá cũ cũng không đủ sức giữ chân người xem, bởi cách tiếp cận, cách viết lời bình... đã cũ và không còn phù hợp với thời điểm hiện nay. Và điều này cũng cho thấy, phim tài liệu Việt vẫn chưa tạo được những đột phá, chưa thoát khỏi lối tư duy cũng như cách làm cũ kỹ.

Ngày chiếu phim tài liệu Đông Nam Á có thể nói là một trong những ngày thành công nhất của liên hoan phim lần này. Buổi chiếu phim nào phòng chiếu cũng chật kín khán giả. Với 8 bộ phim ngắn được công chiếu, các nhà làm phim trẻ trong khu vực Đông Nam Á đã mang đến cho người xem những mảng màu văn hóa đặc sắc của các nước trong khu vực. Đặc biệt, nhiều bộ phim tạo được hiệu ứng tốt, tạo được sự đồng cảm với khán giả. “Những bộ phim Đông Nam Á tạo ấn tượng sâu sắc với khán giả, bởi những câu chuyện về đói nghèo, di cư, bảo vệ môi trường, tâm linh... dù được sản xuất bởi những nhà làm phim rất trẻ, nhưng những cảnh trong phim rất thật, rất sát với đời sống xã hội khu vực. Khi xem phim, tôi biết đến nhiều nền văn hóa mà trước đó tôi chưa hề biết”, anh Nguyễn Minh, một khán giả trẻ cho biết.

Bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: “Qua 7 kỳ tổ chức, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam đã tạo thành một sân chơi bổ ích cho những người trong nghề cũng như đông đảo công chúng, việc cọ xát giao lưu như thế này giúp những người làm phim tài liệu có nhiều kinh nghiệm hay, có cơ hội tiếp cập và học hỏi để từng bước đưa phim tài liệu Việt Nam đến gần hơn với thế giới”.

Phương Hà
Phim tài liệu Việt Nam -  cần nhiều nỗ lực để hội nhập
Phim tài liệu Việt Nam - cần nhiều nỗ lực để hội nhập

Phim tài liệu Việt Nam đang ở vị trí tương đối thấp so thế giới, chúng ta vẫn làm theo cách truyền thống, giống như những năm 1960 - 1970, trong khi hiện nay trên thế giới và các nước khác đã có rất nhiều cách làm phim, họ đã phát triển rất xa so với chúng ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN