Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi có dịp về công tác ở huyện Konchoro - một địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, nơi có đến hơn 70% số dân là người dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên gần cả trăm buôn làng, để trực tiếp chứng kiến nhiều hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ nơi đây. Bảo tồn văn hóa dân tộc là một hoạt động quan trọng của tuổi trẻ Tây Nguyên. |
Ấn tượng nhất là đội cồng chiêng của thanh niên làng Byang (thị trấn Konchoro) với những chương trình biểu diễn lay động lòng người. Những âm thanh khi trầm khi bổng, khi nhẹ nhàng, lúc vút cao... của dàn cồng chiêng do các chàng trai Bahnar thể hiện, đã vang xa đến tận các chân núi rồi vang dội trở lại, càng nghe càng cảm nhận sự thánh thót và ngọt ngào của từng âm thanh. Theo tiếng cồng, tiếng chiêng, những cô gái người Bahnar với tuổi đôi mươi trong trang phục đẹp của lễ hội, tham gia vào những vòng xoang nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng điệu gõ, từng bước đi và sự mềm mại của đôi bàn tay khéo léo và mềm mại. Đội cồng chiêng làng Byang đã tạo nhiều ấn tượng đẹp ở các hội thi cồng chiêng cấp huyện, cấp tỉnh và nhất là tại Festival cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Pleiku vào năm 2009.
Đến thăm nhà rông mới làm cách đây 2 năm ở làng Hle Ktu, có tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng, được coi là niềm tự hào của sức trẻ của làng, mới thấy sự đồng thuận đồng lòng của người dân địa phương trong việc góp công góp sức xây dựng. Thời gian để hoàn thành nhà rông này phải mất đến gần cả năm trời, từ việc vận chuyển gỗ và một số vật liệu với khối lượng lớn từ rừng về cách xa cả chục cây số được coi là một kỳ công lớn. Gần như ngày nào tốt trời, làng Hle Ktu cũng phân công người trực tiếp tham gia dựng nhà rông, có những lúc cao điểm lực lượng đông tới 30 - 40 người, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên trong làng, tham gia với niềm say mê và tự hào. Sau khi nhà rông được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thanh niên của làng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như dạy cho trẻ đánh cồng chiêng, họp hội; đồng thời tu bổ và chăm sóc ngôi nhà chung của cộng đồng thêm phần sạch đẹp, thoáng mát.
Anh Đinh Văn Súy, dân tộc Bahnar, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên huyện Konchoro cho biết: Phát triển phong trào thanh niên gắn với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong các hoạt động của thanh niên. Các tổ chức Hội thanh niên từ cấp huyện đến cấp xã luôn quán triệt và triển khai thực hiện có kết quả, kiên quyết không để các bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một dần theo cơ chế thị trường...
Từ nhiều năm nay, bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người Bahnar và J'rai ở địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được giữ gìn và phát huy, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cồng chiêng, múa xoang, nhà rông, dệt thổ cẩm và các lễ hội khác như lễ bỏ mả, lễ hội mừng lúa mới... là nét văn hóa đặc trưng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số không thể thiếu được trong đời sống và sinh hoạt của người dân ở các buôn làng. Phải khẳng định rằng, kết quả này có công đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong các vùng đồng bào dân tộc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đã năng động, sáng tạo trong các hoạt động.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cũng đã khẳng định, không riêng gì ở huyện Konchoro, mà tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đều thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của 2 tộc người Bahnar và J'rai. Các hoạt động thường xuyên được tổ chức, đồng bào ở các buôn làng rất phấn khởi và nhất là việc bảo tồn bản sắc độc đáo cồng chiêng trong cộng đồng. Hiện nay trong toàn tỉnh còn lưu giữ được khoảng 6.000 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ thuộc dạng chiêng cổ, quý hiếm.
Văn Thông