Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hấp dẫn du khách

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, người có nhiều năm gắn bó với những bước thăng trầm của ngành du lịch địa phương tâm sự: Nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, khi đến Quảng Nam muốn được về thăm miền sơn cước, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Kor, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, để khám phá những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang sắc thái riêng của từng dân tộc. Đây chính là một thuận lợi để xây dựng chuỗi giá trị về du lịch của tỉnh Quảng Nam.

 

Thưởng thức các món đặc sản của đồng bào Cơ Tu.


Chị Đinh Thị Thìn sau khi tham gia các khóa học ngắn ngày về nghiệp vụ du lịch, đã trở thành hướng dẫn viên du lịch ở làng Bhôông thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Chị Thìn cho biết, du khách tìm đến làng Bhôông để ngắm đại ngàn hùng vĩ, tìm hiểu những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu như điệu múa Tung tung ja ja làm mê hoặc lòng người. Từ ngày người Cơ Tu tham gia làm du lịch cộng đồng, điệu múa Tung tung ja ja như được tiếp thêm sức sống mới, du khách nước ngoài rất thích điệu múa này.


Già làng, nghệ nhân YKông, nhấn mạnh: Điệu múa Tung tung ja ja không chỉ là món quà của người Cơ Tu dâng lên thần linh, đây còn là điệu múa của tình yêu lứa đôi, là bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Người con trai thường chủ động trong việc thể hiện tình cảm với người khác giới nên trong điệu múa thường “tấn công” bằng các động tác mạnh mẽ, dứt khoát qua từng động tác của điệu múa. Còn người con gái “chống trả quyết liệt” bằng điệu “ja ja” nhẹ nhàng, kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ, nữ tính, dào dạt xuân thì…


Không chỉ níu chân du khách bằng các điệu múa truyền thống, du khách còn bị mê hoặc bởi những món ăn hết sức dân dã nhưng không dễ quên, đó là bánh sừng trâu, cơm lam, đặc biệt là món thịt Drúa. Già làng YKông cho biết, xưa kia chỉ những gia đình giàu có trong làng mới được ăn món Drúa, vì món này tốn nhiều thịt vật nuôi. Khi làm thịt gia súc như trâu, bò, lợn dê hay bẫy được thú rừng, sau khi làm lễ cúng dâng lên thần linh, sông núi, chủ nhà lựa những súc thịt ngon nhất và một số bộ phận nội tạng của con vật rồi trộn đều vào nhau, giã nhừ với lá rau rừng, ớt rừng và tiêu rừng. Ngày nay, khi làm Drúa còn trộn thêm một số gia vị như muối, hạt nêm để món Drúa khi đem ra đãi khách có vị thơm ngon, mặn mà hơn.


Ông Lê Duy Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ dành một khoản kinh phí phù hợp để đầu tư cho việc đào tạo về nghiệp vụ du lịch cho đồng bào để phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Đông Giang sẽ đề nghị tỉnh tiếp tục có những cơ chế ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp làm du lịch mạnh dạn đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó hình thành các tour du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái. Về lâu dài, để du lịch cộng đồng thực sự trở thành một kênh giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, huyện Đông Giang sẽ đề nghị tỉnh và Trung ương đầu tư nâng cấp quốc lộ 14G để rút ngắn khoảng cách giữa đại ngàn Đông Giang nói riêng và miền tây Quảng Nam nói chung, với các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, để Đông Giang không chỉ trở thành một điểm đến trong phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, mà còn trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực.


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Thôn “khó sống” ở Quảng Nam
Thôn “khó sống” ở Quảng Nam

Người ta gọi thôn Phú Dương xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam là mảnh đất “khó sống” vì tai ương bệnh tật ập đến liên miên, những trụ cột, niềm hi vọng trong gia đình bỗng chốc hóa thành gánh nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN