Thôn “khó sống” ở Quảng Nam

Người ta gọi thôn Phú Dương xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam là mảnh đất “khó sống” vì tai ương bệnh tật ập đến liên miên, những trụ cột, niềm hi vọng trong gia đình bỗng chốc hóa thành gánh nặng.

Bỗng nhiên phát… điên

Nói nói, cười cười, chia bài ngồi đánh một mình là hình ảnh không hiếm gặp ở thôn Phú Dương.


Vào thôn Phú Dương, cứ đi chừng vài chục mét là gặp một nhà có người bị tâm thần. Bà Đinh Thị Phú (50 tuổi) có hai con trai thì cả hai đều bị điên. Con đầu lòng là anh Nguyễn Văn Định (31 tuổi), năm 19 tuổi, đang khỏe mạnh, học hành bình thường thì… đổ điên, đập hết mọi vật dụng trong nhà, đánh ba mẹ, hàng xóm. Bà Phú phát hoảng đưa anh đi khám và gửi tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, sau vài tháng, bệnh tình anh thuyên giảm nên được phép về nhà. Nhưng rồi chỉ được chục hôm, Định lại phá làng, phá xóm. Chưa hết tuyệt vọng về người con đầu, thì người con thứ hai của bà Phú là Nguyễn Công Hương (26 tuổi) cũng bỗng nhiên đổ điên hai năm sau đó. Hương bị nặng hơn anh nên bà Phú phải xây riêng một phòng, xích lại vì không ai khống chế được Hương lúc lên cơn.

Cách đấy không xa, ông Nguyễn Văn Tám, Nguyền Văn Tức (đều gần 60 tuổi) cũng bị tâm thần gần 10 năm nay. Hàng xóm kể, lúc trai trẻ hai ông đều là những anh nông dân khỏe khoắn, cáng đáng cho cả gia đình. Thế rồi chẳng hiểu vì sao, hai ông bỗng nhiên nói nói, cười cười một mình, có lúc lại chửi đổng suốt ngày. Những hôm nắng nóng, sự “không bình thường” của hai ông càng dữ dội.

Những năm trở lại đây, số người mắc bệnh tâm thần ở thôn tăng lên, hiện tại có hơn 20 người. Năm trước, chị Nguyễn Thị Hiệp (31 tuổi) và Nguyễn Thị Tư (26 tuổi) phát bệnh, cứ thấy người là trốn vào bóng tối, chỉ cười, nói khi không có ai. Đến đầu năm nay, lại có thêm 2 cụ già trong thôn mắc chứng thức trắng, cả ngày ngủ nhiều nhất chỉ một tiếng đồng hồ. Quá nhiều người trong thôn bị tâm thần bất thường, những người còn lại luôn nơm nớp lo không biết khi nào tai ương ấy ập đến mình.

Chết dần vì ung thư

Ông Nguyễn Văn Thìn, trưởng thôn Phú Dương cho biết: “5 năm gần đây, có hơn chục trường hợp người dân bị mắc bệnh ung thư, rơi vào lứa tuổi trung niên, chưa tính những trường hợp gia đình không báo với thôn, trong đó có 5 người đã tử vong”.

Bị ung thư, không còn đủ sức khỏe để lao động nặng, cô Hoa phải bỏ nghề phụ hồ.


Đang đi phụ hồ để nuôi con, chị Nguyễn Thị Hoa (44 tuổi) bỗng thấy cả người đau đớn, kiệt sức không làm nổi. Lên bệnh viện khám mới hay mình mắc ung thư tử cung. “Cả nhà nội ngoại tôi trước giờ chẳng ai mắc bệnh này cả, chỉ mình tôi đang khỏe mạnh thì thành ra thế này, mà cũng chẳng ngờ là mình mắc phải ung thư”, chị Hoa nói.


Trạm nước sạch ngay Hội trường thôn Phú Dương để dân sử dụng.


Rồi những người lứa tuổi trên dưới 50 như chị Phan Thị Cư, Phạm Thị Bồng, anh Nguyễn Sáu cũng hoảng hốt nhận tờ kết quả ung thư gan, ung thư đại tràng. Cái chết ập đến với những người mắc bệnh này rất nhanh, như chị Nguyễn Thị Sửu (45 tuổi) mất chỉ sau 20 ngày phát hiện mình bị bệnh. Thôn nghèo, thêm bệnh khó, chỉ những nhà kinh tế kha khá mới đưa bệnh nhân đi chữa trị, chạy hóa chất, còn lại đa số đều nằm ở nhà với chờ “đến đâu thì đến”.

Năm 2003, Phú Dương gửi mẫu nước cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam xét nghiệm, kết quả nước an toàn. Nhưng số người bị tâm thần, ung thư ngày một nhiều nên xã Quế Thuận đã xây dựng một trạm nước sạch ngay hội trường thôn Phú Dương cho dân sử dụng. Ông Phan Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết: “Huyện đã có đoàn về kiểm tra nguồn nước ở thôn Phú Dương và đang đợi kết quả, đầu năm nay tiếp tục lấy mẫu nước gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm nước sạch của tỉnh để xét nghiệm. Đồng thời báo cáo lên cấp trên để có các cuộc điều tra, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân. Trong những cuộc họp với dân, chúng tôi cũng tuyên truyền để bà con không tìm đến các hình thức mê tín, cúng bái, nhờ thầy lang chữa bệnh”.

Bài và ảnh: Thiên Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN